Thương mại điện tử tăng trưởng 35%/năm, Amazon Global Selling Việt Nam, tập đoàn T&T và Bộ Công Thương thúc đẩy tìm kiếm tài năng ở các trường đại học

11.09.2019
Thương mại điện tử tăng trưởng 35%/năm, Amazon Global Selling Việt Nam, tập đoàn T&T và Bộ Công Thương thúc đẩy tìm kiếm tài năng ở các trường đại học

Ông Trần Xuân Thuỷ giám đốc Amazon Selling Việt Nam hy vọng với sự có mặt của Amazon Việt Nam và sự quan tâm của các bộ ngành, các doanh nghiệp có thể đem sản phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới, tiếp cận 300 triệu khách hàng của Amazon, tương đương với tiếp cận 75% GDP toàn cầu.

Hôm nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA), Bộ Công Thương phối hợp cùng Amazon Global Selling và Tập đoàn T&T Group chính thức phát động cuộc thi “Tài năng thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam 2019”.

Nền thương mại điện tử Việt Nam đang thể hiện sức phát triển vượt bậc khi lọt top 6 thị trường có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới với tổng doanh thu đạt 8 tỷ USD trong năm 2018. Mặc dù vậy, việc tận dụng lợi ích từ thương mại điện tử xuyên biên giới của các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng và chuyên môn về kinh doanh trực tuyến, logistic và thanh toán quốc tế.

Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, Giám đốc trung tâm phát triển thương mại điện tử Cục thương mại điện tử và kinh tế số – Bộ Công Thương, hiện nay trên toàn cầu có 5 tỷ người có khả năng tiếp cận internet. Mặc dù thương mại điện tử (TMĐT) rất phát triển song theo khảo sát thống kê tại Việt Nam trong 5 doanh nghiệp thì chỉ có 1 doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình lên kênh trực tuyến, nghĩa là cơ hội phát triển của thị trường TMĐT rất lớn. Làm thế nào để 4 doanh nghiệp còn lại lên môi trường trực tuyến và đó là lí do vì sao Bộ Công thương, phối hợp cùng tập đoàn T&T và Amazon Global Selling đến các trường đại học để tổ chức các cuộc thi tìm kiếm nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp sau này.

“Không phải chuyện xa xôi, chỉ 1,2 năm nữa thôi các bạn sẽ là nhân tố thúc đẩy doanh nghiệp Việt vươn ra khỏi đất nước thông qua mạng internet”, ông Minh chia sẻ với gần 1.000 sinh viên có mặt trong hội trường hôm nay.

Mục đích của chương trình muốn xây dựng kỹ năng thực tế bán hàng xuyên biên giới cho sinh viên và đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm ra thế giới. Với chủ đề “Chắp cánh cho hàng Việt bay ra thị trường thế giới”, các nhóm sinh viên sẽ thể hiện ý tưởng, kế hoạch kinh doanh liên quan tới sản phẩm có thể triển khai với mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới. Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 10/9/2019-10/10/2019. Vòng chung kết sẽ diễn ra vào tháng 1/2020.

“Giải bài toán về nguồn nhân lực, cuộc thi là những bước đi đầu tiên trong kế hoạch đổi mới phương thức tiếp cận và đào tạo thế hệ trẻ thực tế hơn. Là đối tác tiềm năng, tin cậy và nhiều kinh nghiệm, Amazon Global Selling và T&T Group sẽ giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm kinh doanh thực tế như một chủ doanh nghiệp bán hàng trên Amazon. Chúng tôi sẽ cần sự phối hợp sâu rộng hơn nữa của cộng đồng doanh nghiệp, nhằm tạo ra ảnh hưởng đáng kể đối với nền thương mại điện tử nói riêng và ngành xuất khẩu nói chung tại Việt Nam.” – Ông Nguyễn Kỳ Minh, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử phát biểu.

Bà Trần Kim Oanh, Giám đốc xúc tiến thương mại và đầu tư quốc tế tập đoàn T&T Việt Nam cho biết tham gia cuộc thi các nhóm sinh viên sẽ nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ Cục Thương mại điện tử và kinh tế số – Bộ Công Thương, Amazon Global Selling và tập đoàn T&T cùng các chuyên gia bao gồm tập huấn, đào tạo kỹ năng bán hàng, cung cấp các kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về thương mại điện tử, kinh nghiệm làm kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới, nhận tư vấn góp ý trực tiếp 1:1, phát triển kế hoạch kinh doanh và xây dựng thương hiệu toàn cầu.

Đại diện đơn vị quản lý của nhà nước về thương mại điện tử (TMĐT), bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số – Bộ Công Thương đánh giá thị trường TMĐT của Việt Nam đang bước vào thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 30-35%/năm. Với thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể bán được thị trường toàn cầu. Hiện nay thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới có tổng giá trị 994 tỷ USD vào năm 2020, trong đó riêng châu Á chiếm 40% tổng giá trị giao dịch. Việt Nam hiện nay nằm trong khu vực phát triển năng động nhất, đặt ra nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

TMĐT sẽ là kết cấu hạ tầng quan trọng nhất của thương mại, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng trong nước và xuất khẩu, nâng cap năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Ông Trần Xuân Thủy giám đốc Amazon Selling Việt Nam hy vọng với sự có mặt của Amazon Việt Nam và sự quan tâm của các bộ ngành, các doanh nghiệp có thể đem sản phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới, tiếp cận 300 triệu khách hàng của Amazon, tương đương với tiếp cận 75% GDP toàn cầu.

Châu Cao

Theo Trí thức trẻ

Tin trước: Top 10 trang TMĐT Đông Nam Á: Một nửa là công ty Việt, 3 ‘kỳ lân’ của Indonesia góp mặt

Tin tiếp: Chỉ 1% startup trên thế giới đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo và trong ngành tài chính, AI chỉ ở mức sơ khai