Xu h­ướng ERP theo ngành

06.09.2018

Diễn đàn ERP trên TGVT – PCW B 12/2004 đã được bạn đọc nhiệt tình hưởng ứng, gửi ý kiến tham gia. Lần này chúng tôi trích đăng ý kiến của các nhà sản xuất, tư vấn ERP trong và ngoài nước. Đó là các nhận xét về ERP nội và ngoại, xu hướng triển khai ERP… Tuy có nhiều quan điểm về ERP, nhưng tập trung lại sẽ giúp bạn đọc nắm bắt tình hình phát triển ERP trên thế giới và tại Việt Nam. Đó cũng là mong muốn của diễn đàn lần này.

Ứng dụng ERP cần quyết tâm

 

Ông Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc Trung Tâm Dịch Vụ ERP của FPT (FES)

Điều quan trọng khi áp dụng ERP là làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. Vì vậy, các bước triển khai của các nhà tư vấn phải chặt chẽ: yêu cầu đổi mới những điểm không phù hợp với quy trình quản lý hiện đại, xây dựng mô hình quản lý mới. Sau khi có mô hình rồi, dựa trên quy chuẩn quản lý của ERP để bổ sung các tính năng cho phù hợp với DN.

ERP không chỉ là một PM mà còn là quy trình quản lý. Vì vậy, DN muốn áp dụng ERP phải quyết tâm và sẵn sàng thay đổi những gì không phù hợp. DN nên lựa chọn nhà tư vấn đã có kinh nghiệm triển khai ERP và cần có tài chính đủ mạnh để theo đuổi quá trình triển khai.

Xu hướng ERP theo ngành

Ông Satya Krishnaswamy, giám đốc điều hành khu vực Đông Dương công ty SAP Asia Pte Ltd.

 

SAP thành lập năm 1972, hiện là nhà cung cấp giải pháp PM quản lý DN (ERP) lớn nhất trên thế giới. SAP có mặt tại Việt Nam khoảng giữa năm 2003. Đến nay, tại Việt Nam, SAP có khoảng 25 khách hàng. Trừ tổng công ty Bảo Minh là khách hàng bản địa đầu tiên và duy nhất (xem thêm trên TGVT – PCW B, 11/2004, trang…), còn lại đều là các công ty con thuộc tập đoàn toàn cầu hay liên doanh.

Trên toàn cầu, thị phần của SAP ở thị trường DN vừa và nhỏ rất lớn. Nhưng hiện tại, ứng dụng ERP tại Việt Nam chỉ mới trong giai đoạn đầu nên SAP chỉ tập trung vào khu vực hành chính công và các tổng công ty. Đây là kinh nghiệm của SAP: một khi các công ty lớn ứng dụng ERP, CRM thành công, các công ty nhỏ sẽ bắt chước, đi theo.
Có thể chia các DN ứng dụng ERP thành ba loại. Một là những DN ứng dụng tiên phong (early bird). Thường họ là những công ty hay tập đoàn lớn. Sau đó, nhiều công ty khác bắt đầu nhận ra lợi ích của các PM quản lý và đưa chúng vào ứng dụng, chúng tôi gọi họ là những DN “theo đuôi” (follower). Tuy nhiên, vẫn còn một số ít các công ty khác chưa vào cuộc mà chỉ đứng ngoài quan sát. Chỉ sau một thời gian, những công ty đứng ngoài đó (laggard) mới nhảy vào cuộc. Việt Nam, theo đánh giá của chúng tôi, đang trong giai đoạn ứng dụng tiên phong. Như tổng công ty Bảo Minh chẳng hạn, họ đang rất thận trọng tìm đường; họ như những thực khách lần đầu đến một quán ăn: chỉ nếm một vài món, chứ không kêu thật nhiều món trong thực đơn.

Gần đây, DN ứng dụng trên thế giới có xu hướng mua những module chuyên môn hóa thay cho việc tiếp cận những module tài chính, nhân sự ngay từ đầu. Chẳng hạn, các nhà máy sẽ chọn triển khai SCM (hệ quản lý dây chuyền cung ứng) đầu tiên; nếu là DN hướng dịch vụ, họ sẽ chọn CRM (hệ quản lý quan hệ khách hàng), portal (cổng giao tiếp điện tử) hay BI (hệ thống kê theo dõi hoạt động DN). Những DN đã có ERP thì không ngừng hiệu chỉnh (fine-tuning) giải pháp để hệ thống chạy càng tốt hơn hoặc tiếp tục nâng cấp cấu trúc hệ thống lên thành Web services-based architecture (cấu trúc dựa trên dịch vụ web). Đây chính là hiện trạng ứng dụng trên những thị trường đã sang giai đoạn trưởng thành (mature market) tại các quốc gia phát triển. Vẫn còn một số DN bắt đầu ứng dụng với module tài chính, nhân sự nhưng số này đang giảm dần.

ERP nội có nhiều thế mạnh

 

Ông Hà Thân – Tổng giám đốc công ty cổ phần Tin Học Lạc Việt

Theo tôi, mỗi ngành công nghiệp có đặc thù riêng nên sẽ không có một giải pháp ERP chuẩn cho tất cả các ngành. Do đó, ứng dụng ERP phải chọn cho phù hợp với từng hoạt động của DN.

ERP Việt Nam có một số thế mạnh có thể cạnh tranh được với ERP nước ngoài. Trước tiên, nhà cung cấp trong nước cũng chính là DN nên hiểu rõ những quy trình, thói quen, tập quán riêng của DN Việt Nam, đồng thời tiếp cận được nền kỹ thuật công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Thứ hai, tuy ERP Việt Nam có một số tính năng không thể so với ERP nước ngoài nhưng trong các lĩnh vực tài chính kế toán, lao động, phúc lợi xã hội hay những thay đổi về luật lệ, quy định trong môi trường kinh doanh… thì PM Việt Nam cập nhật dễ dàng, sửa đổi nhanh chóng hơn. Chi phí đầu tư cho ERP Việt Nam kể cả licence, tư vấn… cũng rẻ hơn rất nhiều (10 lần trở lên) so với PM nước ngoài. Đầu tư ERP trong nước cho một đơn vị 5 người dùng chỉ mất 20.000 USD so với 300.000 USD của ERP nước ngoài. Ngoài ra với ERP nước ngoài, DN khó dự toán ngân sách và thời gian dành cho hệ thống.

Với nhà triển khai ERP trong nước, nhu cầu thay đổi PM theo quy trình quản lý của khách hàng sẽ dễ dàng được đáp ứng. Giao diện tiếng Việt của các PM nội địa cũng thân thiện hơn với đa số người dùng.

ERP nội chưa uyển chuyển

Ông Nguyễn Thanh Quang, giám đốc tư vấn Pricewaterhouse Coopers, khu vực Đông Dương.

 

Tôi biết một số giải pháp ERP nội: giao diện tốt, có thể thích ứng được khá nhiều những yêu cầu về chức năng hiện tại của các công ty Việt Nam. Nhưng so với giải pháp ERP ngoại (chẳng hạn SAP), mức độ uyển chuyển vẫn còn yếu. Như thế nào là uyển chuyển? Một doanh nghiệp có thể sẽ có thêm một công ty con trong tương lai. Vậy cần tách sổ kế toán của hai công ty, phân chia quỹ đầu tư… ERP nào đáp ứng dễ dàng những điều này mới là uyển chuyển.

Ngoài ra, không thể xem PM chỉ tuân thủ chuẩn mực báo cáo tài chính ở Việt Nam là lợi thế cạnh tranh vì DN cũng cần giao dịch với đối tác nước ngoài nên PM cần tuân theo chuẩn mực kế toán quốc tế. Chúng tôi đánh giá cao giải pháp ERP ngoại, song là công ty tư vấn, chúng tôi luôn tôn trọng ý kiến khách hàng. Nếu khách hàng yêu cầu, chúng tôi vẫn đưa PM Việt Nam vào danh sách xem xét.

Tin trước: Tìm hiểu về ERP, giải pháp phần mềm quản lý đa năng dùng trong các doanh nghiệp

Tin tiếp: Tiện ích Kết nối dữ liệu từ phần mềm quản lý khác