Kinh tế tăng trưởng 7,08%, cao nhất 10 năm

30.12.2018

GDP năm nay đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, còn lạm phát cũng dưới 4% mục tiêu Quốc hội đề ra.

Chiều 27/12, Tổng cục Thống kê (GSO, Bộ Kế hoạch & Đầu tư) công bố số liệu thống kê năm 2018. Ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2018 tăng 7,31% so với cùng kỳ 2017.

Tính chung GDP năm 2018 tăng 7,08%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đây cũng là mức tăng cao nhất từ năm 2008 trở lại đây. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành hơn 5,53 triệu tỷ đồng. GDP bình quân đầu người khoảng 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD. Mức này tăng 198 USD so với năm 2017.

Trong mức tăng chung nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,76%, góp 8,7% vào tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp, xây dựng là 8,85% và góp xấp xỉ 49% tăng trưởng; dịch vụ tăng 7,03%, góp gần 43% vào tăng trưởng.

Xét về góc độ sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng tăng gần 7,2% so với 2017, tích luỹ tài sản hơn 8,2%; cùng đó xuất khẩu hàng hoá tăng 14,3%…

Về lạm phát, theo ông Lâm, CPI tháng 12/2018 giảm 0,25% so với tháng trước. CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54%, đạt mục tiêu dưới 4% Quốc hội giao. 

Giá một số mặt hàng chủ yếu trong rổ hàng hoá (xăng dầu, giá gas, giá thịt lợn) đồng loạt giảm trong tháng 12 đã giúp CPI tháng này tăng trưởng âm. Giá xăng trong nước giảm 1.830 đồng với RON 95; xăng E5RON92 giảm 1.840 đồng một lít; dầu diesel cũng giảm 1.630 đồng một lít…

Cũng theo ông Lâm, năm 2018 lạm phát chung tăng cao hơn lạm phát cơ bản (tăng 1,48% so với 2017), phản ánh biến động giá chủ yếu đến từ tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu…

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt hơn 244,7 tỷ USD, tăng gần 14% so với 2017. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) vẫn chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu, hơn 175,5 tỷ USD, trong khi khối trong nước đạt 69,2 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, cả năm Việt Nam nhập khẩu hơn 237,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Tính chung năm 2018 Việt Nam đạt thặng dư thương mại 7,2 tỷ USD, trong đó khu vực trong nước nhập siêu 25,6 tỷ và khu vực đầu tư nước ngoài (gồm dầu thô) xuất siêu 32,8 tỷ USD.

“Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện”, ông Nguyễn Bích Lâm nhận xét. Lãnh đạo GSO phân tích, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP là 43,5%, cao hơn nhiều mức bình quân gần 33,6% giai đoạn 2011 – 2015. Năng suất lao động tăng gần 6% so với 2017 và tính theo giá hiện hành đạt 102 triệu đồng (gần 4.512 USD) một người.

Theo: vnxpress.net

Tin trước: Meliasoft 2018 - Nhật ký và Tình trạng update

Tin tiếp: Tại sao những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa luôn ưu tiên áp dụng phần mềm ERP viết theo yêu cầu?