Vì sao người dân vẫn ngại quẹt thẻ khi mua sắm?

16.01.2019

Phí giao dịch, nỗi lo bảo mật, thói quen… vẫn là những rào cản lớn nhất khiến người dân ngại thanh toán qua các kênh không dùng tiền mặt.

Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia, lãnh đạo ngân hàng nhìn nhận tại hội thảo Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt, do Ngân hàng Nhà nước và báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng nay, 15-1.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, lợi ích cụ thể của thanh toán điện tử đối với các chủ thể trong nền kinh tế cho thấy hướng đến một xã hội phi tiền mặt dường như là một quá trình không thể đảo ngược. Ở xã hội không dùng tiền mặt, hầu hết giao dịch thanh toán trong nền kinh tế được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt hay thanh toán điện tử.

Tuy nhiên, thời gian qua, dù thanh toán điện tử đang chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng tiền mặt hiện vẫn thống trị trong giao dịch thanh toán tiêu dùng và xã hội phi tiền mặt vẫn là đích hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới.

Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết trong năm 2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn 137,6 triệu giao dịch với giá trị 73 triệu tỉ đồng, gấp 13 lần GDP. Hành lang pháp lý cho thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng hoàn thiện khi có 76 đơn vị đã triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 đơn vị triển khai thanh toán qua di động.

Một số ngân hàng đã nghiên cứu, hợp tác triển khai các công nghệ, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như xác thực sinh trắc học, mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc (contactless), công nghệ mPOS…

Vì sao người dân vẫn ngại quẹt thẻ khi mua sắm? - Ảnh 1.

Người dùng vẫn ngại thanh toán qua ATM. Ảnh: Linh Anh

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết tính đến cuối tháng 9-2018, cả nước có 18.170 ATM và 294.500 máy POS; cùng hơn 101 triệu thẻ ngân hàng được phát hành. Số lượng tài khoản cá nhân tiếp tục tăng, đạt gần 75 triệu tài khoản cá nhân. Đến giữa năm 2018, cả nước có trên 43 triệu người có tài khoản tại ngân hàng, chiếm khoảng trên 60% người từ 15 tuổi trở lên.

“Dù vậy, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế còn gặp những trở ngại. Đó là thói quen, tâm lý dùng tiền mặt của người dân còn phổ biến. Tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới; cơ sở hạ tầng thanh toán tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị, chưa vươn tới được khu vực nông thôn là rào cản thanh toán không dùng tiền mặt”- ông Phạm Tiến Dũng nói.

Tại hội thảo, đại diện một số ngân hàng, doanh nghiệp, nhìn nhận một rào cản khác là người dùng sợ tốn phí giao dịch, doanh nghiệp ngại phí chiết khấu, thậm chí thanh toán qua NH các doanh nghiệp sợ minh bạch thuế nên còn cân nhắc.

Để giải quyết những rào cản này, sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường ứng dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mới, hiện đại phục vụ thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội như thanh toán qua QR Code, điện thoại di động, Internet, thẻ phi tiếp xúc…

Về rào cản liên quan đến bảo mật, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước, cho biết nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh bảo mật như ISO 27001, PCI DSS. Số lượng các tổ chức tín dụng đạt các tiêu chuẩn này đã tăng lên hàng năm.

Đối với các giao dịch điện tử, để đảm bảo an toàn cũng như thuận tiện cho khách hàng, nhiều ngân hàng đã triển khai các giải pháp xác thực mới như xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, tĩnh mạch lòng bàn tay, giọng nói), chữ ký số trên mobile; thanh toán sử dụng QR code.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ triển khai một số giải pháp nhằm tăng cường bảo mật để người dùng yên tâm thanh toán qua các kênh không tiền mặt như áp dụng khung đánh giá rủi ro công nghệ thông tin theo thông lệ quốc tế để nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra tuân thủ các quy định về an toàn bảo mật tại tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán. Tăng cường giám sát, đôn đốc các tổ chức tín dụng hoàn thành triển khai kế hoạch áp dụng các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, kế hoạch chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chíp…

“Các ngân hàng phải trang bị hệ thống hỗ trợ giám sát giao dịch điện tử, điều tra gian lận, từng bước tổng hợp, phân tích dữ liệu của khách hàng và xây dựng bộ quy tắc để phát hiện và ngăn chặn sớm các gian lận. Xây dựng các tiêu chí và phần mềm để xác định giao dịch bất thường dựa vào thời gian, vị trí địa lý, tần suất giao dịch, số tiền giao dịch, số lần đăng nhập sai quá quy định hoặc các dấu hiệu bất thường khác. Xây dựng trung tâm điều hành an ninh mạng để theo dõi, giám sát và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm nhập, tấn công mạng” – ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo: cafef

Tin trước: “Cuộc chiến” ví điện tử: Ngân hàng vào cuộc

Tin tiếp: Ngành thép đối diện cuộc sàng lọc thứ hai, DN mạnh và linh hoạt sẽ tồn tại?