Thêm một số ngân hàng thương mại công bố kết quả kinh doanh 2018, với ghi nhận chung: lợi nhuận tiếp tục tăng cao và chủ động hơn, tích cực hơn trong xử lý nợ xấu.
Ghi nhận đó, về tình hình chung, đã thể hiện qua hội nghị toàn ngành ngân hàng tổ chức tuần trước, với tỷ lệ nợ xấu công bố ở mức thấp nhất nhiều năm qua.
Cũng tại hội nghị này, bốn ngân hàng thương mại nhà nước công bố quyết định giảm lãi suất cho vay VND.
Bên lề hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, quyết định giảm lãi suất cho vay nói trên hoàn toàn do các ngân hàng này chủ động, mà một cơ sở thuận lợi là lợi nhuận năm qua của họ nhìn chung đạt mức cao cùng nợ xấu được xử lý tích cực hơn, qua đó chia sẻ với doanh nghiệp vay vốn.
Lợi nhuận năm qua và hiện nay đã khác giai đoạn trước. Nó được chiết xuất qua các rào cản pháp lý kín kẽ hơn, đặc biệt ở cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.
Sau hội nghị ngành, cho đến tuần này, Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đã lần lượt họp tổng kết 2018 và triển khai kế hoạch 2019.
Quyết định giảm lãi suất ở khối này không phải hứa hẹn, được thực hiện luôn với dư nợ hiện hữu và những khoản vay mới. Thống đốc cho rằng, điều này góp phần bình ổn lãi suất thời gian tới, cũng như triển vọng lãi suất huy động sau dịp Tết Nguyên đán.
Tại hội nghị của BIDV sau đó, con số 9.625 tỷ đồng lợi nhuận được công bố bên cạnh “thành công vượt bậc trong xử lý nợ xấu theo tinh thần của Nghị quyết 42 của Quốc hội”.
Với cơ sở này, Thống đốc đặt yêu cầu BIDV sớm về đích mục tiêu tái cơ cấu giai đoạn 2016 – 2020, trong đó trọng tâm vẫn là tiếp tục đẩy nhanh xử lý nợ xấu và một nội dung quan trọng khác là nỗ lực đàm phán để có thể hoàn tất việc bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Tại hội nghị của Agribank giữa tuần này, Thống đốc cũng đánh giá cao Agribank đã đạt vượt mức toàn diện kế hoạch đặt ra đầu năm 2018, lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.
Đáng chú ý, kỷ lục lợi nhuận 7.525 tỷ đồng của Agribank vượt xa kế hoạch đề ra 5.700 tỷ đồng và được hình thành trên cơ sở đè được nợ xấu.
Những năm trước, đây là một trong những ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu cao, cùng lượng nợ xấu bán lại cho VAMC có quy mô hàng đầu trong hệ thống. Thế nhưng, báo cáo cho thấy, đã có thay đổi lớn.
Năm qua Agribank đã thu hồi nợ sau xử lý lên tới 11.936 tỷ đồng, trích lập dự phòng rủi ro đạt 25.590 tỷ đồng. Thậm chí, theo phát biểu của lãnh đạo ngân hàng này, tổng nguồn dự phòng xử lý rủi ro còn lại gần 20.000 tỷ đồng, họ đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019.
Trước đó, thị trường đã đón nhận thông tin Vietcombank cũng đã đè hẳn nợ xấu xuống dưới 1% một cách thực chất, bên cạnh kỷ lục lợi nhuận trên 18.300 tỷ đồng, và đặc biệt là tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu đã lên tới 169,7%.
Như vậy, đến cuối 2018, hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam tiếp tục có thêm ứng viên Agribank có triển vọng và khả năng mua lại được trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC, sau loạt thành viên làm được thời gian qua.
Chủ động và chuyển biến rõ nét trong xử lý nợ xấu cũng thể hiện ở trường hợp tham gia tái cơ cấu hệ thống, như tại Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB).
Sau đột biến thu dịch vụ với gói hợp đồng dịch vụ bảo hiểm 2017, năm 2018 SHB tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận, với gần 2.100 tỷ đồng, trong điều kiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao 15%.
Sau 5 năm nhận sáp nhập Habubank, SHB vẫn phải tập trung xử lý nợ xấu chuyển giao. Chuyển động tốt hơn đang thể hiện, ngay trong năm 2018 SHB đã chủ động mua lại trước hạn khoảng 1.300 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC, và dự kiến có thể tiếp tục mua thêm khoảng 1.800 tỷ trước hạn năm 2019, cũng như đã tích lũy hơn 5.000 tỷ đồng trích lập dự phòng.
Và sau khi Vietcombank, Techcombank, MB và VIB lần lượt tất toán trước hạn toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC, bên cạnh ứng viên Agribank nói trên, thị trường cũng chờ đợi cập nhật từ ứng viên Ngân hàng Á Châu (ACB) có thể chủ động thực hiện được điểm này.
Việc chủ động mua lại trước hạn nợ xấu nói trên có thể làm tăng nợ xấu nội bảng một số ngân hàng, nhưng cho thấy năng lực của họ đã đủ sức để “đè” nợ xấu trên bảng cân đối, thay vì dễ bị quá sức mà phải bán sang VAMC những năm trước.
Việc chủ động đó, cùng nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro tăng lên rõ rệt tại nhiều thành viên như trên cũng tạo nên cân đối khiến lợi nhuận 2018 có sức nặng giá trị hơn, trong một năm tiếp tục có thêm những con số tăng trưởng cao.
Trong tuần này, thị trường tiếp tục đón nhận kết quả của Ngân hàng Quân đội (MB) và Ngân hàng Quốc tế (VIB); MB đạt tăng trưởng lợi nhuận 31% so với năm ngoái, VIB đạt tăng trưởng tới 95%.
Trao đổi với báo chí đầu tuần này, một lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) cũng cho biết HDBank đã đạt tăng trưởng lợi nhuận khoảng 64% năm qua, ứng với tỷ lệ sinh lời ROE lên tới khoảng 28%.
Một tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao hiện cũng đang chờ ở sự trở lại của ACB, hay chuyển biến tại Maritime Bank, SeABank… trong những kỳ cập nhật gần đây.
Như trên, khác với giai đoạn trước, lợi nhuận ngân hàng hiện nay được công bố sau khi đã chiết xuất bằng một hệ thống lọc chặt chẽ hơn với các tiêu chuẩn phân loại nợ khắt khe, cùng yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro chặt chẽ hơn.
Điều đó thể hiện cụ thể bởi một bước thẩm định nữa của Ngân hàng Nhà nước, qua cơ chế giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và xét duyệt các phương án, mức độ chi trả cổ tức.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, ước tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.
Dù mức độ nợ tiềm ẩn thành nợ xấu hiện còn khá cao, nhưng tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm được như trên phản ánh kết quả chủ động tự xử lý tại nhiều thành viên.
Theo đó, một mặt nợ xấu được đè xuống và lợi nhuận tăng lên, mặt khác phần vốn khê đọng và không gian tín dụng từ nợ xấu được tái tạo trong điều kiện Ngân hàng Nhà nước định hướng siết lại chỉ tiêu tăng trưởng năm thứ hai liên tiếp.
Theo: Vneconomy