Ai cũng từng có một ngày tồi tệ tại nơi làm việc, đó là điều bình thường. Nhưng sẽ chẳng bình thường chút nào nếu ngày nào ở công ty cũng là ngày tồi tệ đối với bạn. Ngày nay có quá nhiều người bị mắc kẹt vào các công việc mà họ không thích.
Nhiều công việc có thể gọi bằng từ “độc hại“, không chỉ về mặt thể chất mà còn cả tinh thần. Công việc đó sẽ khiến bạn chán nản, khởi động một vòng căng thẳng không bao giờ dứt để bào mòn và hủy hoại sức khỏe của bạn.
Ngày nay có quá nhiều người bị mắc kẹt vào các công việc mà họ không thích.
Đây là một thực trạng đang diễn ra mà cả các nhân viên và mọi ông chủ và người sử dụng lao động đều cần nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn, giáo sư Jeffrey Pfeffer đến từ Đại học Stanford cho biết.
Viết cuốn sách “Dying for a Paycheck” (tạm dịch là “Đến chết cũng phải trả hóa đơn“), giáo sư Pfeffer nhận thấy rằng sự yếu kém trong quản lý ở các công ty phải chịu trách nhiệm cho 8% chi phí y tế hàng năm tại Mỹ và liên quan đến 120.000 cái chết của người lao động.
Nhưng tại sao lại vậy, một công việc bạn không thích hay một công việc “độc hại” với cơ thể bạn là như thế nào? Chúng có thể gây ra những ảnh hưởng gì? Và làm thế nào để bạn nhận ra và kiểm soát chúng?
Dưới đây là những triệu chứng mà giáo sư Pfeffer và các chuyên gia khác liệt kê ra cho bạn:
1. Bạn có mất ngủ vì công việc hay không?
“Rất nhiều lần, điều đầu tiên mà chúng tôi nghe mọi người phàn nàn là những đêm mất ngủ của họ“, nhà phân tích tâm lý lâm sàng Monique Reynolds đến từ Trung tâm Lo âu và Thay đổi Hành vi tại Hoa Kỳ cho biết. “Mọi người báo cáo rằng họ không thể ngủ được vì tâm trí họ bị kích thích hoặc họ ngủ nhưng không tròn giấc. Họ thức dậy vào giữa đêm để suy nghĩ về công việc cần làm của họ“.
Một vài đêm ngủ không ngon không phải vấn đề gì đó quá lớn, nhưng nếu chúng lặp đi lặp lại, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng trong công việc của bạn đã đến mức độc hại.
“Nếu tất cả những đêm mất ngủ của bạn đều liên quan đến công việc, đó là dấu hiệu cho thấy có gì đó đang khiến nó mất cân bằng“, Reynolds nói.
2. Bạn có thấy căng thẳng cơ bắp ở nơi làm việc?
Như một phản ứng bình thường của cơ thể, cơ bắp của bạn căng lên khi nó muốn bảo vệ bạn khỏi chấn thương. Trong trường hợp bạn luôn thấy căng cơ ở nơi làm việc, đó là dấu hiệu cho thấy: cơ thể bạn nhận diện đó là một khu vực nguy hiểm và không an toàn
Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, chứng căng thẳng mạn tính ở cổ, vai và đầu có thể liên quan đến chứng đau nửa đầu và đau đầu do căng thẳng. Ngoài ra, căng thẳng tại nơi làm việc cũng tạo ra các triệu chứng sinh lý và biểu hiện ra khiến bạn đau mỏi cơ bắp, Reynolds nói.
3. Bạn có đau đầu?
Khi công việc trở thành một thứ gì đó độc hại với bạn, bạn có thể cảm thấy như mình đang phải chiến đấu với một con hổ ngay trước mặt. Để đối phó với một mối đe dọa (dù chỉ là bạn tưởng tượng ra trong đầu) bộ não của bạn cũng sẽ tiết ngập adrenaline và các hooc-môn gây căng thẳng khác.
“Hệ thống thần kinh của chúng ta bị nhúng vào một công việc độc hại sẽ liên tục bị đưa vào trạng thái như dao kề cổ“, Reynolds nói. “Chúng ta liên tục phải tiên đoán, để sẵn sàng phản ứng với [những tình huống được đặt ra bởi] một ông sếp hay đồng nghiệp khó chịu“.
Nếu bạn đang ngồi trong văn phòng với đôi vai gù và hàm răng siết chặt lại, đây có thể là một dấu hiệu cho thấy công việc của bạn đang ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
4. Sức khỏe tinh thần của bạn đi xuống
Reynolds lưu ý rằng việc gia tăng căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tinh thần hiện có của bạn. “Một người nào đó, có thể là một người lo lắng bị đưa vào một môi trường làm việc thực sự độc hại; và sự lo lắng đó thường sẽ trở nên trầm trọng hơn và vượt qua ngưỡng lâm sàng“, Reynolds nói.
Nếu bạn cảm thấy sếp lúc nào cũng đổ mọi tội lỗi lên đầu bạn, sức khỏe tinh thần của bạn sẽ đi xuống. Một phân tích năm 2012 dựa trên 279 nghiên cứu cho thấy sự không công bằng ở một tổ chức liên quan đến những vấn đề sức khỏe của nhân viên như ăn quá nhiều và trầm cảm.
E. Kevin Kelloway, Chủ tịch nghiên cứu Tâm lý học sức khỏe nghề nghiệp tại Đại học St. Mary, Canada nói rằng bị đối xử không công bằng trong công việc có thể khiến chúng ta căng thẳng quá mức.
“Bất công là một tác nhân gây căng thẳng đặc biệt độc hại bởi vì nó tấn công vào cốt lõi con người chúng ta“, ông nói. “Khi bạn đối xử không công bằng với tôi, bạn tấn công nhân phẩm của tôi với tư cách là một con người – bạn muốn nói rằng tôi không phải là người xứng đáng được đối xử công bằng hoặc được đối xử như những người khác“.
5. Bạn sẽ hay ốm
Nếu dạo này bạn hay bị ốm, cảm lạnh, cảm cúm liên tục, hãy tự vấn bản thân mình về công việc của bạn lúc này thế nào. Một số lượng lớn nghiên cứu cho thấy căng thẳng mạn tính có thể làm tổn hại hệ thống miễn dịch, khiến bạn dễ bị ốm hơn.
6. Bạn mất ham muốn tình dục
Cách bạn sử dụng thời gian của mình phản ánh những gì mà bạn coi trọng. Khi bạn mang công việc về nhà, mối quan hệ tình cảm của bạn có thể bị ảnh hưởng.
Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ lưu ý rằng phụ nữ gặp căng thẳng tài chính hoặc chuyện cá nhân có thể bị suy giảm ham muốn tình dục. Đối với nam giới, căng thẳng mạn tính này có thể dẫn đến giảm tiết testosterone, từ đó cũng dẫn đến giảm ham muốn.
“Có thể có một số phương pháp thư giãn nhất định sẽ cho phép cảm giác kích thích phát sinh trở lại“, Reynolds nói. “Nhưng sau đó còn là vấn đề thời gian. Nhiều người báo cáo rằng [công việc của họ khiến họ] không còn có đủ thời gian để quan hệ tình dục”.
7. Lúc nào bạn cũng mệt mỏi
Hãy nói về sự mệt mỏi, mệt mỏi sâu tận xương tủy mà không có một giấc ngủ nướng hay một kỳ nghỉ cuối tuần nào có thể chữa trị được.
Kelloway lưu ý rằng phản ứng cơ thể của những nhân viên phải làm công việc họ không thích không giống hệt nhau. Nhưng có một điểm chung là họ đều mệt mỏi, một thể trạng vật lý của cơ thể mà tất cả họ đều cảm nhận được.
Các công việc độc hại có thể tạo ra một chu trình làm chúng ta kiệt sức, giáo sư Pfeffer nói. Bạn cảm thấy công việc chiếm lấy mình, vì bạn làm việc quá lâu và bạn làm việc quá lâu vì bạn cảm thấy công việc chiếm lấy bạn.
8. Dạ dày của bạn bị ảnh hưởng
Khó tiêu, táo bón, đầy hơi đều có thể liên quan đến căng thẳng, bởi vì căng thẳng ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa và cũng có thể làm thay đổi vi khuẩn đường ruột của chúng ta, từ đó ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta.
Điều này giải thích rằng tại sao bạn có thể bị đau bụng khi buồn, Kelloway, người đã trải nghiệm điều này khi phải làm công việc mình không thích cho biết.
“Sau sáu tháng, tôi bắt đầu nhận thấy rằng cứ mỗi chiều chủ nhật, tôi sẽ bị đau bụng. Đó không phải là một triệu chứng [của một bệnh nào đó khiến tôi bị đau] mà là thời điểm [giống như khi tôi bắt đầu nghĩ về những gì tôi phải làm vào sáng thứ Hai] đã cảnh báo tôi về mối liên hệ độc hại với công việc“, anh nói. “Tất cả các triệu chứng đã biến mất khi tôi nghỉ việc và chuyển sang một công việc khác”.
9. Bạn ăn nhiều hơn và nghiện đường
Cảm giác thèm ăn sinh ra từ bộ não, dĩ nhiên rồi. Nhưng dưới một cơn căng thẳng cấp tính, não bộ bạn sẽ giải phóng adrenaline nói với cơ thể bạn dừng quá trình tiêu hóa để tập trung vào việc cứu chúng ta khỏi tình huống đó.
Tuy nhiên, dưới sự căng thẳng kéo dài, cơ thể bạn sẽ tiết ra và tích tụ cortisol, một loại hooc-môn có thể làm tăng cơn đói. Cho nên, khi gặp căng thẳng cấp tính, bạn sẽ chán ăn, còn khi công việc của bạn gây ra sự đau khổ mạn tính, bạn sẽ ăn nhiều hơn, đặc biệt bạn có thể ăn nhiều đồ ngọt và trở nên nghiện đường.
10. Bạn có thể làm gì để chống lại công việc độc hại?
Nghỉ giải lao. Khi cơ thể bạn bật chế độ cảnh giác cao độ để bảo vệ bạn khỏi những căng thẳng tại nơi làm việc, bạn cần cho nó một khoảng thời gian nghỉ ngơi.
“Nếu chúng ta không cho mình cơ hội để thư giãn và thiết lập lại hệ thống thần kinh của mình, nó bắt đầu xuất hiện những thiệt hại lâu dài“, Reynolds nói. Các hoạt động bên ngoài cơ quan làm việc, thiền và tập thể dục có thể giúp bù đắp các triệu chứng căng thẳng.
Chuyển hướng suy nghĩ tiêu cực của bạn. Một trong những nguyên tắc trị liệu hành vi nhận thức, đó là cách bạn suy nghĩ có thể thay đổi cách bạn cảm nhận.
Không phải ai trong số chúng ta cũng có thể dễ dàng nhảy việc, nhưng chúng ta đều có thể tập trung vào tình huống mà chúng ta có thể kiểm soát, Reynolds giải thích. Chúng ta có thể dặn lòng mình bỏ qua mọi thứ không theo ý muốn ở nơi làm việc, từ những lời nói xấu cho đến sếp của chúng ta.
Bỏ việc. Đó là biện pháp cuối cùng mà bạn có thể làm, đi tìm một công việc mới. Giáo sư Pfeffer liệt kê một số yếu tố cho thấy bạn đang bị đặt vào một công việc độc hại, bao gồm không có quyền tự chủ, hay xuất hiện những nhiệm vụ ngoài kế hoạch và không đạt được an toàn tài chính…
Đó là những công việc mà mọi người nên dứt khoát bỏ. “Bạn cần phải khắc phục gốc rễ vấn đề ẩn sâu bên dưới, chứ không phải chỉ đối phó với các triệu chứng“, ông nói.
Theo: genk