Theo số liệu của bộ phận Phân tích khối khách hàng cá nhân của CTCP Chứng khoán SSI (HoSE: SSI), tính đến 25/2, có tổng cộng 1.005 doanh nghiệp công bố BCTC quý IV/2018, chiếm 98% vốn hóa trên 3 sàn.
Tổng lợi nhuận ròng 2018 của các doanh nghiệp đạt 276.200 tỷ đồng, cao hơn 19% so với năm 2017. Nếu loại trừ lợi nhuận đột biến của VHM (gần 13.000 tỷ đồng), tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường đạt 13%.
Thống kê lợi nhuận các ngành (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: SSI Retail Research.
Bất động sản, Ngân hàng, Dịch vụ tài chính, Hàng và Dịch vụ công nghiệp, Điện, nước và Xăng dầu, khí đốt là những ngành có tỷ trọng lớn trong tổng lợi nhuận và đạt tăng trưởng cao trong năm 2018.
Tỷ trọng lợi nhuận các ngành
Ngân hàng là lĩnh vực đóng góp lợi nhuận cao nhất thị trường với 68.019 tỷ đồng trong 2018, tăng 31% so với 2017. Nguồn thu chính đến từ tín dụng. Tuy nhiên, hoạt động dịch vụ cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, với đóng góp tích cực của mảng bancassurance.
Thu nhập lãi thuần chiếm trên 70% nguồn thu của các ngân hàng chỉ tăng 3%. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra cho toàn hệ thống đầu năm là 17%, nhưng với mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát, con số thực tế cả năm toàn hệ thống dừng ở khoảng 14%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại trong nửa cuối năm ở các ngân hàng niêm yết.
Vietcombank giữ ‘ngôi vương’ lãi ròng nhóm nhà băng với 14.641 tỷ đồng, tăng 61% so với 2017 và vượt 138 tỷ đồng. Xếp thứ hai là Techcombank với 8.462 tỷ đồng, cao hơn 31% năm trước. Vị trí tiếp theo thuộc BIDV với 7.358 tỷ đồng, tăng 8%, trong khi VPBank theo sát với 7.355 tỷ đồng. Dù chỉ xếp thứ 7, ACB đứng đầu tăng trưởng lãi ròng 2018 với 5.137 tỷ đồng, tăng 142% so với năm trước.
Lợi nhuận ngân hàng 2018 (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: Fiinpro.
Mảng thực phẩm và đồ uống đứng thứ ba với với 33.170 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 13% so với năm trước. Trong khi đó, mảng hàng dịch vụ công nghiệp đứng thứ tư với 32.525 tỷ đồng, cao hơn 21%.
Dù không chiếm tỷ trọng lợi nhuận lớn, nhóm hóa chất gây chú ý khi báo tăng trưởng lãi ròng gấp đôi năm 2017. Doanh thu đạt 120.665 tỷ đồng, tăng 44% và lợi nhuận ròng 9.396 tỷ đồng, cao hơn 104%.
Nguồn: SSI Research
Nhóm dịch vụ tài chính ghi nhận doanh thu tăng 5,3% trong quý IV/2018. Trong khi đó, giá vốn tăng 40% và chi phí tài chính cao hơn 16,3% khiến lãi trước thuế toàn ngành giảm 14% trong quý IV. Nhờ tăng trưởng tốt trong 3 quý đầu năm, ngành này vẫn ghi nhận tăng trưởng doanh thu 2018 tăng 22% và lợi nhuận ròng 21%.
Nhóm điện nước và xăng dầu khí đốt, ghi nhận doanh thu 382.253 tỷ đồng, tăng 19% trong 2018, với lợi nhuận ròng tăng 13% đạt 26.363 tỷ đồng.
Riêng lĩnh vực xăng dầu và khí đốt, diễn biến thiếu tích cực trong quý IV nhưng kết quả cả năm 2018 vẫn khả quan. Tổng doanh thu thuần 2018 đạt 289.500 tỷ đồng, cao hơn 18% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.652 tỷ đồng, tăng 7,6%. PLX, OIL và nhóm các công ty có vốn góp của GAS đóng góp tới 95% doanh thu và lợi nhuận của cả ngành, đều ghi nhận sụt giảm trong quý IV.
Nhóm Xây dựng và vật liệu báo doanh thu tăng 8%, đạt 391.818 tỷ đồng. Nhưng lãi ròng giảm 18% xuống 23.978 tỷ đồng.
Riêng ngành xây dựng, trong quý IV, tổng doanh thu giảm 7,8%. Lãi ròng giảm mạnh đến 53,7%, bên cạnh nguyên nhân do sự sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận gộp thì còn do VCG và ROS không còn khoản lợi nhuận tài chính bất thường từ việc thoái vốn và hoạt động đầu tư như quý IV/2017.
Nếu loại trừ khoản này, lãi ròng của nhóm xây dựng giảm khoảng 31% trong quý IV/2018. Lũy kế cả năm, doanh thu tăng 2,6% nhưng lợi nhuận gộp giảm 6,1% và lãi sau thuế giảm khoảng 16,7% (loại trừ lợi nhuận tài chính bất thường của VCG, ROS và CII trong năm 2017).
Theo : cafef