Mã QR hiện đã xuất hiện nhiều hơn tại các khu vực thành phố của Việt Nam như một phần của chương trình khuyến mãi cũng như phương thức thanh toán mới. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng có thể nhận biết và sử dụng nó.
Theo khảo sát của Q&Me, nếu chỉ nói đến tên “QR code”, người ta thường khó hình dung chính xác đây là gì. Cụ thể, chỉ có 39% người được hỏi cho biết họ nhận biết được khi nghe cái tên này.
Tuy nhiên, khi được xem hình ảnh thì có đến 60% người khảo sát trả lời họ biết rõ mã QR và con số này nâng lên đến 82% nếu bao gồm cả nhóm người đã từng nhìn thấy nó.
Về mức độ sử dụng, chỉ có 14% người cho biết sử dụng thường xuyên và 37% cho biết từng sử dụng QR code trước đó.
Mã QR được sử dụng nhiều cho các ứng dụng mạng xã hội. Trong khi đó, việc sử dụng mã QR vào mục đích thanh toán di động không phổ biến bằng.
Nếu xét về vùng miền, người ở TP. HCM, đặc biệt là nhóm trẻ tuổi, quen thuộc với việc sử dụng mã QR hơn Hà Nội. Nhóm người này thường quyét mã QR để thêm bạn bè trên mạng xã hội. Những người sử dụng phiên bản điều hành mới – trên điện thoại, có xu hướng quen thuộc với việc sử dụng QR code hơn.
QR Code (Quick response code) còn được gọi là mã phản hồi nhanh, là dạng mã vạch 2 chiều được đọc bằng máy đọc mã vạch hay smartphone có cài ứng dụng chuyên biệt để quét mã vạch.
QR Code được phát minh ở Nhật vào những năm 1990, sử dụng theo dõi hàng hóa trong lĩnh vực ô tô và gần đây được phát triển trở thành công cụ hỗ trợ thanh toán.
Các ngân hàng, doanh nghiệp sẽ tạo ra mã QR, khi khách hàng quét mã vạch đó và nhập vào số tiền, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của doanh nghiệp, ngân hàng đó. Các công ty giao nhận trong lĩnh vực thương mại điện tử đang kỳ vọng khá lớn vào sự phổ biến của hình thức này để giảm rủi ro.
Theo tâm lý chung, người mua muốn nhận hàng rồi mới trả tiền, người bán thì muốn có tiền ngay khi hàng được giao và họ chấp nhận chi một khoản cho các công ty thu tiền hộ. Tuy nhiên, khi hàng đã giao đến tay khách thì rủi ro nằm ở người bán và các công ty thu tiền hộ nếu nhân viên không nộp tiền về. QR Code được cho là giải pháp hợp lý cho cả 3 bên. Khi người mua nhận hàng, thay vì đưa tiền mặt như trước kia họ chỉ cần quét mã, tiền sẽ được chuyển cho người bán.
Các công ty giao nhận sẽ giảm được rủi ro mất tiền. Mặt khác, khi hạn chế nhân viên không giữ tiền mặt trong quá trình giao hàng, các công ty giao nhận có thể mở rộng mạng lưới bằng việc sử dụng nhân sự bán thời gian.
Theo: Trí thức trẻ