Doanh nghiệp FDI và những nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững

05.06.2019

Trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đã có được những đóng góp đáng kể không chỉ với bộ mặt kinh tế – xã hội đất nước mà còn là những doanh nghiệp tiên phong hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững ở nước ta.

Phát triển bền vững – từ khóa mới của các doanh nghiệp FDI Việt Nam

Việt Nam với nền chính trị ổn định, sự hấp dẫn về tăng trưởng đã trở thành một trong những điểm thu hút đầu tư lớn của thế giới. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng đầu năm 2019, vốn FDI vào Việt Nam đạt 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với năm 2018.

Với tầm nhìn chiến lược, nhiều doanh nghiệp FDI định hướng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh hướng tới sự phát triển bền vững tại nước sở tại. Định hướng đó không chỉ giúp doanh nghiệp đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn mà còn nâng cao uy tín thương hiệu và vị thế cạnh tranh.

Doanh nghiệp FDI và những nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 1.

(Ảnh KCN Bắc Thăng Long) – Các doanh nghiệp FDI đang đóng góp không chỉ các giá trị kinh tế cho Việt Nam.

Mặt khác, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến đổi đáng báo động về môi trường tự nhiên và các vấn đề xã hội bùng nổ, trách nhiệm của các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh tế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Phát triển bền vững là giải pháp tất yếu để đối mặt với tình trạng này.

Phát triển bền vững cũng là cách các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục tồn tại ở Việt Nam và là một phần quan trọng của nền kinh tế đất nước. Với nhiều kinh nghiệm phát triển và sáng kiến thiết thực, doanh nghiệp FDI giữ vai trò khởi xướng, dẫn dắt cho sự phát triển của xu hướng này. Ông Kazuhiro Matsushita, Tổng Giám đốc Panasonic Việt Nam chia sẻ: “Phát triển bền vững có thể là ngôn ngữ chung của các tổ chức và doanh nghiệp để hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.”

Vì vậy, “phát triển bền vững” trở thành cụm từ được nhiều doanh nghiệp nhắc đến, bằng việc tôn trọng các nguyên tắc, tuân thủ các quy định, chính sách của nhà nước, minh bạch tài chính, áp dụng tiến bộ trong quy trình sản xuất – kinh doanh, đi đôi với các hoạt động trách nhiệm xã hội tập đoàn (CSR) và bảo vệ môi trường.

Phát triển bền vững – Mục tiêu rõ ràng, hành động cụ thể

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đang có nhiều hành động thiết thực nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.

Panasonic – với triết lý kinh doanh đóng góp cho phát triển con người và xã hội, đã có nhiều hoạt động nổi bật trong cả quy trình sản xuất kinh doanh và các hoạt động CSR, như dự án 100.000 đèn năng lượng mặt trời, chương trình trồng cây, hay đổi pin sinh thái miễn phí,…

Tại Việt Nam, hoạt động trồng rừng, phủ xanh các vùng đất với tên gọi “Panasonic vì một Việt Nam xanh” đã trở thành hoạt động thường niên của tập đoàn. Trong vòng 6 năm, Panasonic đã đến 6 tỉnh thành, trồng tặng hơn 120.000 cây xanh và cây kinh tế cho các tỉnh thành miền Bắc và Nam, nâng cao chất lượng đời sống người dân địa phương, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Ngoài ra, Panasonic còn được biết đến với nhiều hoạt động ý nghĩa phát triển nền giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, như vận hành Trung tâm khoa học công nghệ cao Panasonic Risupia, Chương trình Học bổng Panasonic, chương trình làm phim Qua ống kính trẻ thơ,…

Nắm trong tay hơn 75% thị phần xe máy, là doanh nghiệp có vị thế trên thị trường ô tô, Honda thể hiện ý thức và trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển bền vững của nước sở tại bằng hoạt động hướng tới xã hội giao thông an toàn: chuỗi hoạt động đào tạo lái xe an toàn, chương trình Tôi yêu Việt Nam.

Với mong muốn trở thành công ty được xã hội mong đợi, Honda cũng đồng hành cùng thế hệ trẻ qua chương trình hướng tới giáo dục Cuộc thi “Ý tưởng trẻ thơ”, Giải thưởng Honda Y-E-S. Bên cạnh đó, hai dự án trồng rừng tại Hòa Bình (2008-2025) và Bắc Kạn (2013-2023) của Honda cũng góp phần cải tạo đất trống đồi trọc, giảm phát thải CO2 ra môi trường và cải thiện đời sống người dân.

Coca-Cola theo đuổi phát triển bền vững theo chiến lược kinh tế tuần hoàn – sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu dùng và quá trình phục hồi. Nhãn hiệu nước giải khát này đặt mục tiêu “trả lại 1 lít nước cho cộng đồng cho mỗi lít nước sử dụng” bằng việc áp dụng công nghệ vào kiểm soát, xử lý nước thải hiệu quả. Trong một nỗ lực khác, Coca-Cola cũng đã khởi xướng nhiều dự án tập trung bảo vệ nguồn nước các lưu vực sông, mà trước tiên là hạ nguồn sông Mekong.

Trong bức tranh kinh tế chung của Việt Nam, các doanh nghiệp FDI đang ngày càng thể hiện vai trò tiên phong và năng động của mình trong hoạt động phát triển bền vững. Đây là tín hiệu đáng mừng và hứa hẹn mang lại nhiều thay đổi về môi trường – xã hội tại các khu vực cũng như địa phương.

Theo: Nhịp Sống Kinh tế

Tin trước: 4 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,2%

Tin tiếp: Các doanh nghiệp Việt không nên bị ám ảnh bởi từ ‘big data’