Larry Collins, 63 tuổi, đã làm việc tại trạm thu phí cầu Carquinez, San Francisco, được 23 năm. Phí qua cầu ở đây thay đổi từ vài USD trước kia lên 6 USD một lượt bây giờ, nhưng nhìn chung công việc vẫn như cũ: Collins trả lại tiền thừa cho tài xế, trả lời các câu hỏi, chỉ đường và chào đón người đi đường. Ông nói: “Đôi khi, bạn là người đầu tiên người đó gặp vào buổi sáng và sự tương tác giữa con người với nhau có thể khởi đầu rất nhiều cuộc trò chuyện”.
Tuy nhiên, vào một ngày giữa tháng 3, khi các ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh đáng báo động, quản lý của Collins gọi điện và yêu cầu ông không đến làm việc vào hôm sau nữa. Các trạm thu phí đóng cửa để bảo vệ sức khỏe của tài xế và nhân viên. Sắp tới, phí qua cầu được tự động thanh toán thông qua thẻ FasTrak gắn trên kính chắn gió của ôtô. Tài xế không dùng thẻ FasTrak sẽ nhận được hóa đơn gửi đến địa chỉ liên kết với biển số của họ. Công việc của Collins biến mất.
Điều tương tự cùng xảy ra với khoảng 185 nhân viên thu phí khác tại các cây cầu ở Bắc California. Tất cả đều được thay thế bằng công nghệ.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng từ năm 1990 tới 2007, khoảng 400 nghìn công việc trong các nhà máy ở Mỹ đã bị tự động hóa thay thế. Chỉ riêng trong khoảng thời gian đỉnh dịch Covid-19, khoảng 40 triệu người đã mất việc. Một số có thể quay lại làm việc, còn số khác không may mắn như vậy. Các nhà kinh tế học ước tính, sẽ có khoảng 42% việc làm biến mất vĩnh viễn.
Xu hướng sử dụng máy móc thay thế con người có thể tăng tốc trong những tháng sắp tới, khi các công ty chuyển từ “chế độ sinh tồn” sang tìm cách vận hành nhà máy khi dịch bệnh có thể kéo dài. Daniel Susskind, chuyên gia kinh tế tại Balliol College, University of Oxford, tác giả của cuốn A World Without Work: Technology, Automation and How We Should Respond cho biết: “Đại dịch đã tạo ra động lực tự động hóa công việc. Máy móc không bị ốm, chúng không cần phải cách ly để bảo vệ đồng nghiệp. Chúng cũng không cần nghỉ làm”.
Cũng giống Covid-19, làn sóng tự động hóa này sẽ ảnh hưởng mạnh tới những người da màu hoặc lao động thu nhập thấp như ông Collins. Nhiều người Mỹ gốc Phi hay Latin đang làm nhân viên thu ngân, nhân viên phục vụ hay nhân viên chăm sóc khách hàng. Đây là ba trong số 15 công việc bị đe dọa nhiều nhất bởi tự động hóa. Thậm chí trước đại dịch, công ty tư vấn toàn cầu McKinsey đã dự đoán tới năm 2030 máy móc có thể sẽ thay thế 132.000 lao động gốc Phi ở Mỹ.
Việc triển khai robot chống lại sự lây lan của Covid-19 diễn ra nhanh chóng. Robot chẳng mấy chốc sẽ xuất hiện ở các sân bay, làm công việc lau sàn nhà và đo thân nhiệt cho hành khách. Công ty công nghệ Chowbotics đã tạo ra một robot làm salad tên là Sally. Sally đang được nhiều bệnh viện và trường đại học sử dụng để thay thế nhân viên nhà bếp. Một số trung tâm thương mại và sân vận động bắt đầu sử dụng robot bảo vệ Knightscope để tuần tra khu vực. Các công ty sản xuất vật tư theo yêu cầu, như giường bệnh và tăm bông, đã nhờ tới công ty chế tạo robot công nghiệp Yaskawa America để tăng sản lượng.
Trong khi các trung tâm chăm sóc khách hàng sử dụng nhân viên phải đóng cửa vì dịch bệnh, nhiều công ty chuyển hướng sang sử dụng chatbot được phát triển bởi LivePerson hay IBM. Rob Thomas, Phó chủ tịch cấp cao về nền tảng đám mây và dữ liệu tại IBM cho biết: “Tôi nghĩ đây là một xu hướng tất yếu, chỉ là đại dịch đang đẩy nhanh quá trình ấy thôi”.
Về lý thuyết, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ giải phóng con người khỏi những công việc nguy hiểm hoặc nhàm chán. Nhờ đó, con người có thể tập trung vào những nhiệm vụ đòi hỏi trí tuệ nhiều hơn để tăng năng xuất lao động và lương thưởng.
Trong quá khứ, công nghệ được triển khai dần dần để giúp nhân viên có thời gian chuyển đổi sang công việc mới. Những người mất việc có thể sử dụng trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp thất nghiệp để tìm việc trong lĩnh vực khác. Tuy nhiên, thay đổi lần này đột ngột, bởi các lệnh phong toả gây ra bởi Covid-19 khiến các chủ doanh nghiệp phải vội vàng thay thế công nhân bằng máy móc hoặc phần mềm. Thậm chí, khi được nhận vào một công ty khác, những “công nhân” này cũng không được đào tạo lại, bởi nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận còn để mặc nhân viên tự làm chủ kỹ năng mới.
Đăng Thiên (theo Times)