Trong nhiều vấn đề gây sốc được nhắc đến do đại dịch, luôn có những cảnh báo về làn sóng tự động hóa mới ảnh hưởng đến công việc. Đại dịch đẩy các nhà tuyển dụng tới lựa chọn: tìm cách để nhân viên làm việc an toàn hoặc đóng cửa. Nhưng một số chọn cách khác – loại bỏ con người hoàn toàn.
Tốc độ tiến triển của tự động hóa trong vài lĩnh vực, như công trường và nhà kho, chắc chắn sẽ tăng. Tuy nhiên, về tổng thể, thất nghiệp hàng loạt do robot vẫn nên nằm gần cuối danh sách những điều lo lắng của người lao động.
Thế giới chỉ vừa mới hồi phục sau cơn sốt robophobia (nỗi lo sợ không hợp lý về robot). Những tiến bộ về robot và trí tuệ nhân tạo (AI) vào đầu những năm 2010, được mô tả một cách đáng lo ngại trên một số phương tiện truyền thông như thể cảnh báo về một làn sóng hủy diệt việc làm.
Thất nghiệp tăng cao sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2009 làm tăng nỗi lo về khan hiếm việc làm. Lo ngại về robot trong suy thoái kinh tế cũng không hoàn toàn vô lý: các công ty dường như cắt giảm nhân sự trong suốt thời kỳ khủng hoảng. Chuyên gia Nir Jaimovich của Đại học Zurich và Henry Siu của Đại học British Columbia cho rằng, sự phục hồi của thị trường lao động đã trở nên yếu hơn trong những thập kỷ gần đây.
Tuy nhiên, lo lắng vẫn có thể hơi quá. Đến cuối thập kỷ, tình trạng thất nghiệp giảm mạnh và những chiếc xe không người lái đang gặp khó khăn với việc quẹo trái. Sự hoảng loạn thời gian trước về robot có vẻ giống như một sự kích động.
Giờ đây, tỷ lệ thất nghiệp cao trở lại và các tiến bộ về công nghệ lần nữa tạo ra đợt sợ hãi mới. Vài tuần gần đây, những ví dụ hấp dẫn về khả năng của GPT-3 – một mô hình xử lý ngôn ngữ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) được phát triển bởi OpenAI, – được thổi phồng trên Internet.
Các chiến lược đối phó đại dịch của các doanh nghiệp cũng là một nguyên nhân khác gây nên sự lo lắng. Những trường hợp về tự động hóa được tạo cảm hứng từ Covid-19 cũng rất dễ tìm thấy.
Nhiều công ty chuyển sang phần mềm tự động giải quyết công việc liên quan đến hồ sơ giấy tờ mà nhân viên làm việc tại nhà không thể xử lý được. Những công việc phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi từ khách hàng, như bệnh viện, cũng đang dùng chatbot làm trợ lý bổ sung cho con người. Mối quan tâm của các nhà tuyển dụng liên quan đến các nhiệm vụ tự động hóa trong môi trường rủi ro cao, như trong các lò mổ, được cho là đang gia tăng.
Tuy nhiên, các biện pháp giãn cách xã hội và sự sụp đổ tổng cầu sẽ kiềm hãm tiến trình tự động hóa này, có thể khiến nó diễn ra dần dần thay vì đột ngột tăng tốc. Ngoài ra, nhiều công việc, ngay cả những công việc thường được xem là “tay nghề thấp”, cũng đòi hỏi độ khéo tay và linh hoạt trong xã hội mà máy móc chưa thể sánh được.
Ví dụ, những nhân viên làm việc trong các ngành công nghiệp liên quan đến giao tiếp như trong các quán bar hoặc nhà hàng, hay trong các tiệm cắt tóc và làm móng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Nhưng vẫn có rất ít ý định, hoặc quan tâm, đến việc thay thế họ bằng robot.
Ở New York, hàng ngàn nhân viên giao thông công cộng nhiễm virus và hàng chục người chết. Mặc dù có hàng tỷ USD đầu tư vào các phương tiện không người lái, nhưng máy tính vẫn không thể lái xe buýt qua các con đường đông đúc hỗn loạn.
Hơn nữa, tự động hóa chỉ là một trong những giải pháp công nghệ để các công ty vượt qua khủng hoảng lần này. Phổ biến hơn là cách gia tăng làm việc từ xa. Khoảng một nửa trong toàn bộ người Mỹ có việc làm trước khi bùng phát dịch đã làm việc từ xa vào tháng 5, theo một ước tính. Sự chuyển hướng ở vài công ty thậm chí là lâu dài. Nếu như cắt giảm được tổng chi phí và cho phép mọi người chuyển đến các thành phố rẻ hơn, làm việc từ xa có thể bảo toàn được công việc, do giảm bớt áp lực chi phí cho các công ty đang gặp khó khăn.
Phát triển và triển khai các công nghệ mới thường tốn kém. Ý định tự động hóa có thể bị thử thách sự cần thiết trong bối cảnh người thất nghiệp đang đông và sẵn sàng làm việc với mức lương thấp. Ví dụ, các lò mổ ở Mỹ – nơi thường thuê nhân công từ một nguồn lớn công nhân giá rẻ, nhiều người trong số họ là những người nhập cư trái phép – hiện ít sử dụng tự động hóa hơn so với các khu vực ở Bắc Âu.
Nạn thất nghiệp hàng loạt do công nghệ gây ra dường như không chắc xảy ra. Nhưng có một kịch bản mà trong đó Covid-19 có thể mở ra thời đại robot, nếu chi phí lao động bắt đầu tăng lên, bởi chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ, hoặc tiền lương tối thiểu tăng. Việc di dời sản xuất có thể dẫn đến áp lực thay thế nhân công nước ngoài giá rẻ sang robot trong nước.
Giống như các cuộc khủng hoảng trong quá khứ, sự tàn phá kinh tế do đại dịch có thể tạo ra động lực thiết lập nền tảng xã hội mới, với mức lương tối thiểu cao hơn, phúc lợi hào phóng hơn.
Nếu chính sách sau đại dịch đề cao sự an toàn của nhân viên hơn và thời gian làm việc ít hơn, các công ty có thể thật sự đối mặt với việc thiếu nhân công. Điều này khả năng sẽ khiến hoạt động gặp khó hơn.
Phiên An (theo The Economist)