Bộ LĐ-TB&XH cho biết, để đảm bảo cuộc sống cho người lao động, từ năm 2013 đến nay, hàng năm Bộ LĐ -TB&XH với vai trò là thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia đã phân tích, đánh giá thực tế, thương lượng, thống nhất phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và khuyến nghị với Chính phủ công bố mức điều chỉnh: năm 2014 tăng bình quân 15,2%; năm 2015 tăng bình quân 14,2%, năm 2016 tăng bình quân 12,4%; năm 2017 tăng bình quân 7,3%; năm 2018 tăng bình quân là 6,5%; năm 2019 tăng bình quân 5,3%.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Đình Quảng Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, ngay từ đầu năm 2019, Tổng LĐLĐVN đã thực hiện khảo sát, đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị định 141/2018/NĐ-CP về mức lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng 5,3% so với mức năm 2018. Qua kiểm tra, hầu hết các doanh nghiệp đều triển khai thực hiện tăng lương cho người lao động.
Tuy nhiên, với mức tăng là 5,3% cũng mới chỉ đáp ứng trên 95% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Để đảm bảo đúng tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW là đến năm 2020, tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, Hội đồng tiền lương quốc gia phải sớm đánh giá mức sống tối thiểu, điều kiện sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để đề xuất với Chính phủ phương án điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu cho năm 2020.
Bộ luật Lao động hiện hành cũng đã quy định tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, nhưng do điều kiện kinh tế xã hội và khả năng chi trả của doanh nghiệp nên nhiều năm liền mức tăng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Cho nên, quá trình đàm phán và xác định lương tối thiểu vùng cho năm 2020 sẽ phải xác định rõ các nhu cầu sống tối thiểu của người lao động để làm căn cứ tính lương tối thiểu.
Nói thêm về điều này, ông Lê Đình Quảng cho biết, thực tế, nhu cầu sống tối thiểu lâu nay vẫn xác định dựa trên nhu cầu lương thực thực phẩm, nhu cầu phi lương thực thực phẩm và nhu cầu nuôi con.
Tuy nhiên, việc xác định mức sống tối thiểu này hằng năm luôn gây tranh cãi và không có hồi kết cách tính khác nhau của nhiều cơ quan là Tổng cục Thống kê, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Do đó, cần phải có 1 cơ quan duy nhất có trách nhiệm công bố chính thức, nhằm tránh việc tranh cãi không cần thiết.
Theo: An ninh thủ đô