ERP VÀ IoT – Bộ đôi sức mạnh giúp thay đổi cách quản lý doanh nghiệp

27.02.2024

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến những đổi mới đáng kể trong quản trị doanh nghiệp, và trong số đó, ERP (Enterprise Resource Planning – Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp)  và IoT (Internet of Things – Công nghệ kết nối không giới hạn) đứng đầu về mức độ ảnh hưởng. Sự kết hợp của hai công nghệ đang tạo nên một làn sóng mới trong cách thức quản trị, mở ra cánh cửa cho sự tối ưu hóa quy trình kinh doanh cũng như hỗ trợ định hình lại tương lai của các tổ chức doanh nghiệp.

Hệ thống ERP là gì?

ERP có nguồn gốc từ những hệ thống lập kế hoạch sản xuất và quản lý hàng tồn kho của thập niên 1960 và 1970. Đến đầu những năm 1990, khái niệm ERP được mở rộng để bao gồm tất cả các lĩnh vực quản lý doanh nghiệp, từ quản lý tài chính, nguồn nhân lực, đến chuỗi cung ứng và quan hệ khách hàng. ERP đóng một vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa các hoạt động kinh doanh và cung cấp một cái nhìn toàn diện về hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất có thể sử dụng ERP để theo dõi hàng tồn kho, quản lý đơn hàng, và dự báo nhu cầu sản phẩm, giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất. Trong lĩnh vực bán lẻ, ERP giúp cải thiện quản lý chuỗi cung ứng và tối ưu hóa các quy trình từ nhà cung cấp đến người tiêu dùng cuối cùng.

IoT là gì ?

IoT là một khái niệm được giới thiệu vào cuối thập niên 1990, nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ với sự bùng nổ của internet và công nghệ không dây trong thập kỷ qua. IoT liên kết các thiết bị thông minh, từ điện thoại di động đến thiết bị gia dụng và cả máy móc trong nhà máy sản xuất, cho phép chúng thu thập và trao đổi dữ liệu một cách tự động. IoT đã biến đổi nhiều ngành công nghiệp bằng cách cung cấp dữ liệu thời gian thực và khả năng kết nối không giới hạn. Như trong nông nghiệp, các cảm biến IoT có thể theo dõi độ ẩm và nhiệt độ để tối ưu hóa việc tưới tiêu và nâng cao năng suất; hay trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thiết bị đeo được kết nối IoT giúp theo dõi các chỉ số sức khỏe cơ bản của bệnh nhân, cung cấp dữ liệu quý giá cho việc chăm sóc sức khỏe từ xa; hoặc trong lĩnh vực giao thông vận tải, IoT cho phép theo dõi và quản lý phương tiện một cách chính xác, từ việc giám sát tình trạng phương tiện, tối ưu hóa lộ trình, đến việc cung cấp thông tin liên lạc tức thì với tài xế…

Sự kết hợp mang tính chất xu thế

Sự kết hợp giữa ERP và IoT mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp. Các thiết bị IoT thu thập dữ liệu theo thời gian thực từ máy móc trong nhà máy sản xuất đến thiết bị đo lường tại điểm bán hàng, sau đó truyền tới hệ thống ERP, nơi dữ liệu được phân tích và sử dụng để hỗ trợ quyết định, quản lý tài nguyên và gia tăng tối đa khả năng sinh lời. Giống như cách mà Bosch đã phát triển và tích hợp nền tảng IoT của riêng mình vào hệ thống ERP, tạo ra Bosch IoT Suite, cho phép công ty thu thập và phân tích dữ liệu từ hàng triệu thiết bị và hệ thống được kết nối trên toàn cầu, dữ liệu này sau đó được sử dụng để tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, và cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ.. Hay như Predix – nền tảng mà General Electric (GE) phát triển – tích hợp vào hệ thống ERP trong nhiều lĩnh vực của mình, từ sản xuất đến năng lượng và y tế, để tối ưu hóa hiệu suất và giảm thiểu chi phí. Theo kiến ​​trúc sư giải pháp Joost Maliepaard của hãng của Oracle: “IoT cho phép hệ thống ERP của tương lai kết nối mọi người, quy trình, dữ liệu và mọi thứ một cách thông minh để kích hoạt mô hình kinh doanh mới và đưa ra quyết định tốt hơn”.

Trong bối cảnh thị trường ERP toàn cầu dự báo sẽ tăng từ 50.98 tỷ USD vào năm 2023 lên đến hơn 80.80 tỷ USD vào năm 2028, theo một báo cáo của Fortune Business Insights, với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) ước tính là khoảng 9.65%,  còn quy mô thị trường thiết bị IoT dự kiến sẽ tăng từ 118,37 tỷ USD vào năm 2023 lên 336,64 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ CAGR là 23.25% trong giai đoạn này, thì sự kết hợp giữa ERP và IoT chẳng những tạo ra những hệ thống quản lý doanh nghiệp thông minh mà còn tạo ra xu hướng phát triển mới làm gia tăng giá trị đáng kể cho thị trường vốn đã đang rất màu mỡ này.

Sự kết hợp ERP – IoT là xu thế tất yếu song cũng tồn tại không ít những thách thức trong việc khai thác triệt để sức mạnh từ 2 hệ thống này. Khả năng tương thích giữa các thiết bị IoT với nhau và với hệ thống ERP, các biện pháp bảo mật và chính sách thiết lập quyền riêng tư trong việc chia sẻ dữ liệu, đội ngũ nhân sự đòi hỏi chuyên môn cao về công nghệ thông tin, cùng với việc đầu tư lớn tài chính vào cơ sở hạ tầng và chi phí triển khai… là những thách thức hàng đầu cho một dự án kết hợp ERP và IoT. Những thách thức này càng trở nên lớn hơn trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam, khi mà hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực chuyên gia, hay các quy định pháp luật liên quan còn chưa thực sự đồng bộ.

Không phải bàn cãi khi việc kết hợp giữa ERP và IoT đã trở thành một cú đòn bẩy mạnh mẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội và tạo ra cuộc cách mạng trong quản trị. Tương lai của ERP và IoT còn kết nối sâu hơn với sự phát triển không ngừng của trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Machine Learning), tạo nên một hệ sinh thái công nghệ thông tin đa chiều và sáng tạo. Doanh nghiệp thông minh là những người tận dụng lợi ích từ sự kết hợp này, sẵn sàng đầu tư, thay đổi và thích nghi với nền tảng công nghệ mới để tự tin định hình được tương lai của chính tổ chức mình.

Meliasoft

Tin trước: Thông báo nghỉ tết "Giáp Thìn 2024"

Tin tiếp: Ứng dụng smartphone có thể sớm biến mất