LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP TRƯỚC YÊU CẦU CỦA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

17.12.2019

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đánh dấu đỉnh cao của văn minh nhân loại, được kỳ vọng sẽ tạo ra những điều kỳ diệu cho cuộc sống con người. Để tận dụng được cuộc cách mạng này, mỗi quốc gia nói chung và doanh nghiệp nói riêng cần có một số yếu tố quan trọng đó là: người lãnh đạo, cán bộ quản lý sáng tạo với tầm nhìn 4.0; nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng đồng bộ cho các phát minh, sáng tạo.

Sự khác biệt giữa lãnh đạo truyền thống và lãnh đạo thời đại 4.0

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) dựa trên nền tảng khoa học công nghệ vượt trội đã và đang lan tỏa rộng rãi, nhanh chóng, tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế và văn hóa.

Thời đại 4.0 đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý kinh tế phải là những chuyên gia, vững về kiến thức chuyên môn có năng lực tư duy và sáng tạo, đổi mới, có kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, có khả năng làm việc độc lập và ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích các chứng cứ và dữ liệu.

Họ vẫn sẽ phải giải quyết bài toán như: Tăng nguồn lực, sử dụng chi phí có hiệu quả, cải thiện mô hình doanh nghiệp (DN)… nhưng không thể giải quyết bài toán ấy bằng cách đã làm trước đây. Trước làn sóng của cuộc CMCN 4.0, người lãnh đạo, cán bộ quản lý kinh tế có sứ mệnh trở thành động cơ đổi mới mô hình của DN mà họ đang vận hành nhằm đáp ứng những thay đổi của cuộc CMCN 4.0.

Người lãnh đạo, cán bộ quản lý kinh tế cần phải thay đổi bản thân và DN của mình thành nơi sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao nhằm đáp ứng với thời đại mới.

Cuộc CMCN 4.0 đã làm thay đổi dần tầm nhìn của các nhà lãnh đạo, quản lý, do đó cần phải có cái nhìn đối sánh giữa các nhà lãnh đạo truyền thống và các nhà lãnh đạo thời đại 4.0 (một số người gọi là lãnh đạo số). Nghiên cứu Mark Elliot Zuckerberg (CEO, đồng sáng lập Facebook) và Elon Musk (CEO, sáng lập SpaceX) đã phân tích 7 đặc điểm nhằm tạo ra sự khác biệt giữa lãnh đạo truyền thống và lãnh đạo thời kỳ 4.0, cụ thể:

– Trách nhiệm: Các nhà quản lý truyền thống xác định rõ ràng trách nhiệm và vai trò theo nhóm hoặc theo chức năng; Các nhà lãnh đạo 4.0 học cách phân phối các nhiệm vụ theo tình hình và năng lực của đội nhóm, nơi mà khả năng của nhà quản lý cùng với nhân viên liên tục được liên kết; Thành công có nghĩa là tất cả những người tham gia đã đóng góp thông tin và công sức trong mạng lưới của họ.

– Hiệu quả công việc: Các nhà quản lý truyền thống lập kế hoạch các nguồn lực và đánh giá kết quả đạt được (theo nguyên tắc, khu vực xác định ranh giới của một dự án). Các nhà lãnh đạo 4.0 kiểm soát quá trình thảo luận và lựa chọn phương án, đánh giá các nhiệm vụ và kết quả cùng các thành viên trong đội, và sử dụng các nguồn lực theo tiềm năng và thẩm quyền; Các kết quả công việc được thực hiện bằng cách tích hợp các phản hồi liên tục giữa các bên liên quan trong và ngoài tổ chức.

– Chia sẻ thông tin: Các nhà lãnh đạo truyền thống thường phân phát thông tin theo nghĩa vụ và cung cấp dữ liệu theo “chiến lược” và từng phần (“thông tin là quyền lực”). Các nhà lãnh đạo 4.0 tạo ra một khuôn khổ thông tin minh bạch, dựa vào nền tảng trách nhiệm và chủ động trong hành vi.

– Mục tiêu và đánh giá: Việc đánh giá hiệu suất của nhân viên theo các chu kỳ cố định (tháng, quý, năm) là công việc của nhà quản lý truyền thống. Với lãnh đạo 4.0 việc đánh giá hiệu suất với sự trao đổi và phản hồi được thực hiện liên tục.

– Sai lầm và xung đột: Tránh sai lầm là tư duy của người quản lý truyền thống trước khi xảy ra mâu thuẫn. Trong khi đó, một bầu không khí cởi mở với tư duy học hỏi từ các sai lầm được xác lập bởi các nhà lãnh đạo 4.0.

– Thay đổi: Duy trì ngân sách, chất lượng ổn định, và giảm thiểu rủi ro là ưu tiên của các nhà quản lý truyền thống, cách làm này để lại ít chỗ cho sự sáng tạo. Trong khi nhà lãnh đạo 4.0 luôn ở mức sẵn sàng cao cho khả năng thay đổi trong công ty, cũng như khuyến khích sự nhanh nhẹn thích ứng giữa thị trường, khách hàng và nhân viên.

– Đổi mới: Tạo ra những ý tưởng mới cho các sản phẩm mới thường cực kỳ khó khăn đối với một nhà lãnh đạo truyền thống vì nó không phù hợp với chu kỳ hoặc quy trình bình thường. Trong khi đó, lãnh đạo 4.0 biết cách thiết kế những đổi mới dựa trên sự tập trung của nhóm vào một mục tiêu chung, nhằm tận dụng tốt nhất khả năng của mỗi cá nhân trong môi trường làm việc linh hoạt và sáng tạo.

Làm gì để bắt nhịp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0?

Cuộc CMCN 4.0 đã tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Đây chính là thách thức lớn của những người lãnh đạo, cán bộ quản lý của ngành kinh tế trước làn sóng của cuộc CMCN 4.0. Để giúp người lãnh đạo, quản lý kinh tế bắt nhịp với dòng chảy của cuộc cách mạng này, cần chú ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, vận dụng những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trong việc đổi mới cơ chế, chính sách, áp dụng mô hình DN 4.0 với người lãnh đạo xuất sắc, DN tự chủ, nhân viên sáng tạo. Đồng thời, cần xây dựng chiến lược phát triển kinh tế rõ ràng, trong đó chỉ rõ sự chuyển dịch của các ngành nghề đào tạo cũng như nâng cao kỹ năng của nhân lực được đào tạo phục vụ cho cuộc CMCN 4.0.

Thứ hai, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý kinh tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh tế. Đào tạo, bồi dưỡng giám đốc DN theo các chuyên đề người lãnh đạo 4.0; Kết hợp học tập công nghệ 4.0 với chia sẻ kinh nghiệm giữa đồng nghiệp qua giao lưu, kiểm tra chéo, tham quan DN trong và ngoài nước; Thành lập câu lạc bộ doanh nhân để tạo môi trường sinh hoạt nghiệp vụ quản lý…

Thứ ba, người lãnh đạo, cán bộ quản lý kinh tế cần tập trung mọi nỗ lực tạo nên những chuyển biến tích cực trong DN thông qua việc đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong môi trường 4.0, công nghệ, cần phải thay đổi căn bản trên cơ sở lấy sản phẩm làm trung tâm và sự ứng dụng công nghệ trong dây chuyền sản xuất.

Thứ tư, đối với khoa học – công nghệ, người lãnh đạo, cán bộ quản lý nên: (i) Đầu tư, tạo điều kiện cho những nhà khoa học, kỹ sư sáng chế biến ý tưởng triển vọng thành sản phẩm 4.0 thực tế; đầu tư đặc biệt cho những ý tưởng đột phá. (ii) Lấy tính sáng tạo của sản phẩm khoa học, công nghệ làm tiêu chí cao nhất để đánh giá chất lượng sản phẩm, cũng như đánh giá hiệu quả công việc và định mức thu nhập của các nhà khoa học, kĩ sư sáng chế.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế trong sản xuất kinh doanh thông qua các hoạt động hợp tác đa phương, song phương như nghiên cứu khoa học, trao đổi công nghệ, dây chuyền sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Liên kết, hợp tác kinh doanh với các quốc gia phát triển trên thế giới…

Tạp chí tài chính

Tin trước: Doanh nghiệp Nhật 'khát' nhân sự mảng sản xuất

Tin tiếp: Hướng dẫn sử dụng Meliasoft 2020