Sự cần thiết phải quản trị sự thay đổi

15.11.2018

Các doanh nghiệp hiện nay, đang hoạt động trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập là xu hướng tất yếu, môi trường kinh doanh thường xuyên biến động tạo ra những cơ hội và thách thức có tác động to lớn đến sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp.

Để kinh doanh trong nền kinh tế toàn cầu các nhà quản trị không những cần phải có các kiến thức về kinh doanh  và quản trị kinh doanh mà còn phải rèn luyện các kỹ năng quản trị nói chung và kỹ năng quản trị sự thay đổi nói riêng để điều hành doanh nghiệp hoạt động một cách hiệu quả.

Quản trị sự thay đổi là tổng hợp các hoạt động quản trị nhằm chủ động phát hiện, thúc đẩy và điều khiển quá trình thay đổi của doanh nghiệp phù hợp với những biến động của môi trường kinh doanh, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển trong môi trường kinh doanh biến động.

Môi trường kinh doanh thay đổi một cách bất thường, thay đổi trên diện rộng và thay đổi một cách rất sâu sắc, rất nhanh chóng. Những tiến bộ về công nghệ, kỹ thuật, những thay đổi về nhu cầu người tiêu dùng, khuynh hướng toàn cầu hóa kinh doanh và vấn đề bảo vệ môi trường đã tạo ra những áp lực mạnh mẽ đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng hoặc nếu không sẽ bị loại ra khỏi môi trường kinh doanh.

Quản trị sự thay đổi giúp cho các doanh nghiệp tiến hành sự thay đổi chủ động, đúng hướng và đúng thời điểm cần thiết. Đây chính là điều kiện để doanh nghiệp tồn tại và phát triển có hiệu quả trong môi trường thường xuyên biến động. Trong môi trường kinh doanh ngày nay, hơn bất kỳ một kỷ nguyên nào trước đây hằng số duy nhất là sự thay đổi. Các tổ chức đạt được thành công đã quản trị sự thay đổi có hiệu quả, liên tục làm thích nghi với mọi sự thay đổi của môi trường kinh doanh để vượt qua những biến động và phát triển lên bằng những sức mạnh đè bẹp sự cạnh tranh.

Sự thật sai lầm nếu doanh nghiệp duy trì những tư tưởng bảo thủ chống lại sự thay đổi, bởi điều đó đồng nghĩa với với việc doanh nghiệp đang từng bước dấn sâu vào con đường dẫn tới sự sụp đổ. Nhưng, thay đổi thực sự là một thử thách đối với mọi doanh nghiệp. Chính vì vậy, các nhà quản trị cần phải hành động linh hoạt và khéo léo để làm cho quá trình thay đổi diễn ra thuận lợi, hiệu quả và không gây ra tác động tiêu cực làm ảnh hưởng hay gián đoạn hoạt động kinh doanh đang diễn ra.

Câu chuyện cần phải chuyển đổi mô hình kinh doanh của Wal – Mart theo từng thị trường là một ví dụ điển hình.

Wal-Mart, chuỗi bán lẻ giá rẻ hàng đầu trên thế giới, là một trong những công ty tư nhân thành công nhất nước Mỹ. Có nhiều yếu tố dẫn đến thành công này, trong đó có việc gần đây Hãng đã sử dụng cấu trúc mô hình của Alexander Osterwalder (nhà nghiên cứu về mô hình kinh doanh, doanh nhân, diễn giả) dựa trên 9 thành phần chính: Phân khúc khách hàng; Đề xuất giá trị; Kênh phân phối; Quan hệ khách hàng; Dòng doanh thu; Các nguồn lực then chốt; Các hoạt động then chốt; Các đối tác then chốt; Cấu trúc chi phí.

Áp dụng mô hình Osterwalder, đề xuất giá trị của Wal-Mart dựa trên giải pháp cho khách hàng là giá rẻ mỗi ngày. Wal-Mart không những bán hàng tiện nghi với nhiều chủng loại mà còn là nơi dừng chân mua sắm một lần, nơi khách hàng có thể mua từ cây kim, sợi chỉ đến hàng công nghiệp. Với đề xuất giá trị này, khách hàng sẽ tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Tuy nhiên, cũng với mô hình này Wal-Mart đã thất bại và phải rút khỏi Hàn Quốc.

Nguyên nhân chủ yếu sự thất bại đau đớn của Hãng là chiến lược bản địa hóa sai lầm. Wal Mart đã vội vã áp dụng gần như 80% mô hình siêu thị ở các nước phương Tây. Các siêu thị của Wal Mart ở phương Tây thường được đặt xa trung tâm thành phố nhằm giảm chi phí thuê đất để hạ giá thành sản phẩm. Vì tần suất đi siêu thị của người phương Tây khá thấp: 1 -2 lần/ tuần nên họ sẵn sàng lái xe đến những khu ngoại vi thành phố và mua hàng với số lượng lớn tích trữ trong nhà. Ngược lại, người tiêu dùng Hàn Quốc lại là những khách hàng tận tụy hơn hẳn. Trung bình, 1 người dân Hàn Quốc đi siêu thị 2 -3 lần/ tuần vì họ luôn muốn được mua thực phẩm tươi sống hằng ngày. Diện tích nhà nhỏ cũng là một yếu tố khiến người dân Hàn Quốc không có đủ không gian để tích trữ hàng hóa nên họ thường mua hàng với số lượng nhỏ.  Những siêu thị của Wal Mart nằm ở khu ngoại ô, sản phẩm của siêu thị thường được đóng thành những gói lớn gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc chọn mua sản phẩm.

Thêm vào đó, hàng hóa ở chuỗi cửa hàng này thường được đóng gói rất kỹ và kiểu cách nên nhiều khách hàng tỏ ra e ngại khi muốn xem xét cẩn thận món hàng mà họ muốn mua. Trong khi đó, các cửa hàng của Hàn Quốc thường sắp xếp hàng hóa theo hướng thuận tiện nhất cho khách hàng quan sát, so sánh các mặt hàng cùng loại với nhau. Nhân viên bán hàng trong các cửa hàng của Hàn Quốc cũng thường xuyên có mặt để kịp thời trả lời hoặc hướng dẫn khi khách hàng cần đến.

Mặc dù, thế mạnh tạo nên sự khác biệt của Wal Mart chính là giá rẻ nhờ việc cắt giảm tối đa những chi phí liên quan như nhân viên, cơ sở hạ tầng. Wal Mart áp dụng chiến lược “Giá rẻ mỗi ngày” làm giá trị cốt lõi đem đến cho khách hàng. Nhưng những khách hàng Hàn Quốc với thu nhập trung bình trên đầu người là 24.000 USD/ năm và tổng số thời gian làm việc trung bình mỗi năm hơn 2000 giờ, họ cần nhiều thời gian hơn là giá rẻ.

Một nguyên nhân nữa đó là người dân Hàn Quốc luôn có lòng trung thành rất cao với những sản phẩm nội địa. Họ không dễ dàng thay đổi nhãn hiệu yêu thích của mình chỉ vì giá rẻ. Trong siêu thị Wal Mart, các kệ hàng tràn ngập hàng hóa nhập khẩu từ phương Tây và đồ đóng hộp. Trong khi người dân Hàn Quốc lại có xu hướng ưa chuộng hàng nội và thực phẩm tươi sống nhiều hơn.

Như vậy, việc vận dụng và thay đổi mô hình kinh doanh là cần thiết ngay cả đối với những doanh nghiệp hàng đầu như Wal-Mart nếu muốn thành công.

Có một đáp số chung là dường như để có được mô hình kinh doanh thành công, doanh nghiệp đã từng trải nghiệm và thất bại. Như vậy để hạn chế rủi ro trong quá trình thay đổi mô hình kinh doanh, doanh nghiệp cần phải có quy trình quản trị sự thay đổi thậm chí là tới cả quá trình tái cấu trúc Doanh nghiệp.

Thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt và khốc liệt, do vậy việc xác định lại hoặc thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp là một trong những câu hỏi mà mọi doanh nghiệp cần phải tìm ra câu trả lời. Dù muốn hay không, luôn có một chân lý “chỉ có một điều duy nhất không thay đổi, đó là sự thay đổi”. Doanh nghiệp nào sớm tìm ra và thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp trước đối thủ cạnh tranh thì sẽ chiếm giữ vị thế tiên phong và có cơ hội dẫn dắt thị trường./.

 

Tin trước: Deuxo

Tin tiếp: Nội Thất Việt