Cách hạch toán xác định kết quả kinh doanh theo TT 200 và TT 133

18.05.2023

Việc xác định kết quả kinh doanh là công việc mà doanh nghiệp cần phải thực hiện thường xuyên để đáp ứng việc truyền tải dữ liệu đầu vào kịp thời cho công tác hoạch định chiến lược của nhà quản trị. Kết quả kinh doanh là một chỉ số nhận được sự quan tâm của nhiều đối tượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Những quy tắc trong việc hạch toán xác định kết quả kinh doanh khá phức tạp nên người thực hiện cần có kinh nghiệm và nắm vững về kiến thức chuyên môn.

1. Khái niệm kết quả kinh doanh

Kết quả kinh doanh thể hiện thành tựu hoạt động của doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định. Đây là kết quả tổng hợp từ 3 hoạt động chính trong bất kỳ doanh nghiệp nào: hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư tài chính và hoạt động khác. Kết quả kinh doanh có thể là một số lãi hoặc số lỗ tùy thuộc vào tình hình kinh doanh và được xác định theo công thức sau:

Kết quả kinh doanh (LN trước thuế hoặc lỗ) = Kết quả hoạt động SXKD + Kết quả hoạt động tài chính + Kết quả hoạt động khác

Trong đó:

  • Kết quả hoạt động SXKD số liệu chênh lệch giữa doanh thu thuần trừ đi trị giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. Trị giá vốn hàng bán được xác định bao gồm tổng giá trị của hàng hóa – sản phẩm dịch vụ; giá thành sản xuất (đối với sản phẩm xây lắp); chi phí khác như chi phí khấu hao, chi phí cho thuê, chi phí sửa chữa, nâng cấp, chi phí thanh lý, nhượng bán liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư.
  • Kết quả hoạt động tài chính: Là số liệu chênh lệch giữa chi phí và thu nhập của các hoạt động tài chính.
  • Kết quả hoạt động khác: Là số liệu chênh lệch giữa các khoản thu nhập khác và các khoản chi phí khác.

2. Phương pháp xác định kết quả kinh doanh

Để xác định kết quả kinh doanh chính xác thì doanh nghiệp cần phải có số liệu chính xác kết quả của 3 hoạt động dưới đây:

Xác định Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh:

–  Theo quy định tại thông tư 200/2014/TT-BTC, Kết quả  hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần xác định theo công thức sau:

Kết quả hoạt động SXKD = Doanh thu thuần về bán hàng Giá vốn hàng bán Chi phí bán hàng Chi phí quản lý doanh nghiệp

–  Theo quy định tại thông tư 133/2016/TT-BTC, Kết quả  hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần xác định theo công thức sau:

Kết quả hoạt động SXKD = Doanh thu thuần về bán hàng Giá vốn hàng bán Chi phí quản lý kinh doanh

Chi tiết về cách xác định giá trị từng chỉ số như sau:

Công thức tính Doanh thu thuần về bán hàng:

Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ = Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ Các khoản giảm trừ doanh thu

Trong đó: Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là tổng giá trị các lợi ích kinh tế ghi nhận trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động SXKD thông thường của doanh nghiệp.

Công thức tính Giá vốn hàng bán

  • Đối với Doanh nghiệp sản xuất, xây lắp: giá vốn hàng bán chính là giá vốn của sản phẩm xuất kho hoặc giá thành sản xuất của sản phẩm hoàn thành đưa đi bán ngay (không thực hiện nhập/xuất kho).
  • Đối với Doanh nghiệp thương mại, giá vốn của hàng hóa được xác định theo quy tắc sau:

Giá mua + Chi phí thu mua + Thuế (Thuế nhập khẩu, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế bảo vệ môi trường (nếu có)) – Giảm giá hàng mua – Chiết khấu thương mại tính.

  • Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sảnthì giá vốn hàng bán bao gồm những chi phí đặc thù như: Chi phí khấu hao; chi phí sửa chữa; chi phí nghiệp vụ cho thuê BĐS đầu tư theo phương thức cho thuê hoạt động (trường hợp phát sinh không lớn); chi phí nhượng bán, thanh lý BĐS đầu tư…

Nguyên tắc xác định Chi phí bán hàng: Là toàn bộ các khoản chi phí phát sinh liên quan đến quá trình bán sản phẩm, hàng hóa và cung cấp dịch vụ.

Nguyên tắc xác định Chi phí quản lý doanh nghiệp: Là toàn bộ chi phí liên quan đến hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh, quản lý hành chính và một số khoản khác có tính chất chung toàn doanh nghiệp phân bổ cho số hàng đã bán.

Nguyên tắc xác định Chi phí quản lý kinh doanh: Bao gồm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Nguyên tắc xác định Chiết khấu thương mại: Là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn.

Nguyên tắc xác định Giảm giá hàng bán: Là khoản giảm trừ cho người mua do sản phẩm, hàng hóa kém, mất phẩm chất hay không đúng quy cách theo quy định trong hợp đồng kinh tế.

Nguyên tắc xác định Hàng bán bị trả lại: Hàng hóa bị khách hàng trả lại thường do các nguyên nhân: Vi phạm cam kết, vi phạm hợp đồng kinh tế, hàng bị kém, mất phẩm chất, không đúng chủng loại, quy cách.

>>> Tìm hiểu về: Cách hạch toán các khoản giảm trừ doanh thu mới nhất

  • Xác định kết quả hoạt động tài chính

Kết quả hoạt động tài chính  =  Doanh thu thuần hoạt động tài chính  –  Chi phí hoạt động tài chính

  • Xác định kết quả hoạt động khác

Kết quả hoạt động khác  = Thu nhập khác –  Chi phí khác

 3. Cách hạch toán xác định kết quả kinh doanh

  • Nguyên tắc hạch toán xác định kết quả kinh doanh

Để hạch toán xác định kết quản kinh doanh, tài khoản 911 sẽ được sử dụng chủ yếu trong các bút toán. Nội dung phản ánh trên TK 911 như sau:

Bên Nợ:

– Trị giá vốn của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ đã bán;

– Chi phí hoạt động tài chính, chi phí thuế TNDN và chi phí khác;

– Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp;

– Kết chuyển lãi.

Bên Có:

– Doanh thu thuần về sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ đã bán trong kỳ;

– Doanh thu hoạt động tài chính, các khoản thu nhập khác và khoản ghi giảm chi phí thuế TNDN

– Kết chuyển lỗ.

Ngoài ra tùy thuộc theo Thông tư kế toán được áp dụng, doanh nghiệp còn sử dụng nhiều tài khoản khác.

Theo thông tư 200/2014/TT-BTC: Các tài khoản được sử dụng thêm gồm có TK 511, TK 521; TK 333; TK 632; TK 635; TK 641; TK 642; TK 711; TK 811; TK 821

Theo thông tư 133/2016/TT-BTC: Các tài khoản được sử dụng thêm gồm có: TK 511; TK 333; TK 632; TK 635; TK 642; TK 711; TK 811; TK 821.

  • Các bút toán cơ bản trong hạch toán xác định kết quả kinh doanh

Bút toán kết chuyển doanh thu bán hàng thuần thực hiện vào cuối kỳ, kế toán ghi:

Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.

Bút toán kết chuyển trị giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã bán vào cuối kỳ, kế toán ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.

Bút toán kết chuyển doanh thu hoạt động tài chính vào cuối kỳ, kế toán ghi:

Nợ TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính

Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.

Bút toán kết chuyển các khoản thu nhập khác vào cuối kỳ, kế toán ghi:

Nợ TK 711 – Thu nhập khác

Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.

Bút toán kết chuyển chi phí hoạt động tài chính vào cuối kỳ, kế toán ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 635 – Chi phí tài chính.

Bút toán kết chuyển chi phí bán hàng phát sinh trong kỳ, kế toán ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 641 – Chi phí bán hàng (TT200)

Có TK 6421 – Chi phí bán hàng (TT133)

Bút toán kết chuyển chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ, kế toán ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp (TT200)

Có TK 6422 – Chi phí quản lý doanh nghiệp (TT133).

Bút toán kết chuyển các khoản chi phí khác, kế toán ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 811 – Chi phí khác.

Bút toán kết chuyển chi phí thuế TNDN

Theo thông tư 200/2014/TT-BTC:

Bút toán kết chuyển chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành cuối kỳ, kế toán ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.

Bút toán kết chuyển số chênh lệch giữa số phát sinh bên Nợ và số phát sinh bên Có TK 8212 “Chi phí thuế thu nhập hoãn lại”

+ Nếu TK 8212 có số phát sinh bên Nợ lớn hơn số phát sinh bên Có, thì số chênh lệch, ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập hoãn lại.

+ Nếu số phát sinh Nợ TK 8212 nhỏ hơn số phát sinh Có TK 8212, kế toán kết chuyển số chênh lệch, ghi:

Nợ TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại

Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.

Theo thông tư 133/2016/TT-BTC:

Bút toán kết chuyển chi phí thuế TNDN cuối kỳ, kế toán ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 821 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bút toán kết chuyển kết quả kinh doanh trong kỳ lên đơn vị cấp trên, kế toán ghi

– Kết chuyển lãi, kế toán ghi:

Nợ TK 911- Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 336 – Phải trả nội bộ (3368).

– Kết chuyển lỗ, kế toán ghi:

Nợ TK 336 – Phải trả nội bộ (3368)

Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.

Bút toán kết chuyển kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, kế toán ghi

– Kết chuyển lãi, kế toán ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

– Kết chuyển lỗ, kế toán ghi:

Nợ TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.

Tin trước: Hệ Thống MES Là Gì ? Ý Nghĩa & Vai Trò của MES

Tin tiếp: Những ngành nào được hưởng lợi từ hệ thống ERP?