Doanh nghiệp thời Covid-19: Tư duy mới là chìa khóa để “vượt khó”

19.08.2020

Nổi lên như một trong những đơn vị Fintech có hoạt động kinh doanh và hàng loạt sáng kiến cộng đồng gây tiếng vang, vừa qua đại diện Ví điện tử MoMo, ông Phạm Thành Đức (CEO Ví MoMo) đã tham gia và có những chia sẻ kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp “vượt khó” mùa Covid-19 tại tọa đàm “Top 50 vs Corona”.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ chương trình vinh danh “Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” do Công ty Chứng khoán Thiên Việt và Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức ngày 10/7 vừa qua.

Tham gia tọa đàm, ngoài CEO Phạm Thành Đức có sự góp mặt của ông Nguyễn Đức Tài (CEO Công ty Thế Giới Di Động), ông Lê Trí Thông (CEO Công ty Vàng bạc đá quý PNJ Phú Nhuận), Ông Nguyễn Hoàng Ngân (CEO Công ty Nhựa Bình Minh). Tọa đàm do ông Dominic Scriven (Chủ tịch HĐQT, Quỹ Dragon Capital) điều phối.

 

Trả lời câu hỏi của người điều phối: Tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động kinh doanh của đơn vị? Ông Phạm Thành Đức chia sẻ, dịch Covid-19 đem đến cho Ví MoMo cả cơ hội lẫn thách thức.

Bàn về thách thức, ông Đức cho biết, trước khi Covid-19 xảy ra, Ví MoMo đã đặt mục tiêu năm 2020 sẽ là năm tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ trong các mảng thanh toán về du lịch, giải trí, đi lại,… Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng tình hình kinh doanh của các đối tác của MoMo bị ảnh hưởng nặng về, từ mức từ vài chục đến vài trăm ngàn giao dịch thì đột ngột giảm không phanh.

Đơn cử, ngành giải trí mà MoMo đang là kênh thanh toán của các đơn vị hàng đầu như: Galaxy, CGV, BHD,… thông thường có cả triệu giao dịch mỗi tháng thì nay trong tháng 4/2020 mọi thứ dường như về con số 0 khi hàng loạt các rạp phim phải tạm đóng cửa “Tình hình thay đổi quá nhanh, các đối tác và chúng tôi cũng trở tay không kịp. Kế hoạch kinh doanh đề ra trước đó thực sự bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáng lo hơn là không biết tình hình dịch bệnh và lệnh giãn cách xã hội sẽ kéo dài đến bao giờ”, ông Đức nói.

Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực, ông Đức cho rằng “Dịch bệnh người dân ở nhà nhiều, những hoạt động giải trí online, học hành online, mua sắm online,… lại có cơ hội phát triển. Như đội ngũ chúng tôi nói với nhau nếu như trước đây phải ra sức thuyết phục thì trong mùa dịch đã có những đối tác tự tìm đến, đặt vấn đề kết nối. Về phía người dùng nhờ dịch Covid-19 họ thực sự thấy được sự tiện lợi của các dịch vụ online và Ví MoMo”. “Đây là những cơ hội mà Ví MoMo có được từ dịch Covid-19”, ông Đức nói.

Dịch Covid-19 đã gây nên cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, tác động lên nhiều mặt xã hội và khiến kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng phải thay đổi về cách thức phát triển. Đánh giá về những giải pháp các doanh nghiệp đưa ra trong mùa dịch, ông Đức và các diễn giả đều tán đồng không phải là tiềm lực tài chính mà sự linh hoạt thích ứng với thị trường và hoàn cảnh mới, xây dựng được một tư duy mới chính là chìa khóa để doanh nghiệp của vượt qua “những ngày khó”.

Đơn cử, xu thế rõ nét nhất trong dịch Covid-19 vừa qua là chính là chuyển đổi số. Giai đoạn dịch bệnh, giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc trực tiếp được nhà nước khuyến khích. Nếu như trước đây nói về chuyển đổi số, phần lớn người sẽ nghĩ đến các doanh nghiệp công nghệ, thương mại điện tử thì trong dịch Covid-19 chuyển đổi số là “phao cứu sinh” cho nhiều doanh nghiệp mọi lĩnh vực từ giáo dục, tiêu dùng, xuất khẩu,… Nhiều doanh nghiệp đã bổ sung, chuyển đổi mô hình kinh doanh, cách thức tương tác khách hàng thành công nhờ công nghệ.

Về phía MoMo là công ty Fintech, cung cấp nền tảng thanh toán với lượng người dùng hơn 20 triệu khách hàng, dịch Covid-19 vừa qua là một bước ngoặt lớn ghi dấu ấn của Ví MoMo với hàng loạt các chương trình xã hội, sáng kiến cộng đồng gây tiếng vang.

Thứ nhất là chiến dịch kêu gọi phẫu thuật cho 120 em bé dị tật hàm mặt với sự đóng góp của hơn 5 triệu người dùng MoMo “Kết quả của chương trình đã là Tổ chức Phẫu thuật Nụ cười (đối tác của Ví MoMo – PV) rất ngạc nhiên, vì không ngờ trong bối cảnh dịch bệnh mà có thể thu được kết quả bất ngờ như vậy”, ông Đức nói.

Thứ 2 là chương trình “Điều nhỏ bé vĩ đại” được Ví MoMo kết hợp cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi ủng hộ cho các bác sĩ tham gia chống dịch. Gần đây nhất vào trung tuần tháng 6, Ví MoMo phối họp cùng Saigon Co.op và báo Tuổi Trẻ thực hiện chương trình “Ủng hộ nông sản Việt” tìm đầu ra cho sản phẩm Vải Thiều Lục Ngạn và Gạo ST Xuân Hồng, hỗ trợ cho bà con nông dân phục hồi sau dịch.

Bằng công nghệ, Ví MoMo và hàng triệu người dùng đã góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực cho xã hội dù là trong giai đoạn dịch Covid-19”, ông Đức chia sẻ.

Có thể nói, dịch Covid-19 đã đặt ra cho các doanh nghiệp nhiều bài toán chưa có lời giải và theo Tiến sĩ Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh) cái nhìn của kinh tế Việt Nam hiện nay so với cách đây vài tháng cũng bớt lạc quan hơn. “Theo nhiều dự báo, kinh tế chỉ có thể quay lại trước dịch Covid-19 vào đầu năm 2022”, ông Thành nói.

Theo đó, để quản trị sự bất định và rủi ro của chính trị, thiên tai, môi trường,… các doanh nghiệp cần học hỏi, có sự chuẩn trong việc sử dụng các công cụ phòng chống biến động, phân tích đánh giá rủi ro. Đặc biệt, là sự chủ động trong việc tạo nên các sản phẩm, tạo dựng thị trường đáp ứng xu hướng phát triển bền vững gắn liền với trách nhiệm xã hội.

 

 

Tin trước: Robot và AI đẩy hàng triệu người vào nguy cơ thất nghiệp

Tin tiếp: Thông báo lịch nghỉ lễ Quốc khánh 02/09